Phạm Tuân với “thương hiệu” Thái Sơn côn
Ðến với võ thuật từ khi còn chập chững, gặp được thầy giỏi và siêng năng luyện tập, Phạm Tuân (Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh) sớm khẳng định được bản thân tại các giải đấu quốc gia. Trong đó, phần lớn thành tích của anh gắn liền với “thương hiệu” Thái Sơn côn.
Tại Giải võ cổ truyền Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, Phạm Tuân giành tấm HCV ở nội dung biểu diễn quyền với bài Thái Sơn côn. Đây là tấm huy chương quý giá nhất mà anh giành được kể từ khi đến với võ cổ truyền, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đoàn thể thao Bình Định. Có thể hiểu được niềm vui của chàng trai sinh năm 1995 với chiến tích này, nhưng những người dõi theo anh trên con đường võ thuật thì không mấy bất ngờ. Bởi Phạm Tuân từng “đóng đinh” tên mình ở bài Thái Sơn côn suốt từ năm 2017 đến năm 2021.
Phạm Tuân đã gắn tên mình với bài Thái Sơn côn qua những lần thi đấu thành công ở các giải quốc gia. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Bắt đầu tập võ từ khi mới 6 tuổi, với sự huấn luyện của võ sư Trần Duy Linh, kỹ thuật, động tác của Phạm Tuân ngày một hoàn thiện. Năm 2004, cậu bé ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) được tham gia giải đầu tiên và giành ngay tấm HCB ở Giải trẻ võ cổ truyền toàn quốc. Đó là động lực để anh quyết tâm theo đuổi niềm đam mê võ thuật. Đến năm 2009, Phạm Tuân mới chính thức được tuyển vào đội năng khiếu võ cổ truyền Bình Định, bắt đầu hành trình tập luyện chuyên sâu để góp mặt tại các giải trẻ và giải vô địch quốc gia.
Phạm Tuân kể: “Dựa vào thể trạng của tôi, ban huấn luyện hướng cho tập binh khí dài, ban đầu là bài Bát quái côn. Sau khi người từng thể hiện rất thành công bài Thái Sơn côn là Mai Thanh Tuấn nghỉ thi đấu, tôi được “tiếp quản” bài này. Được tạo điều kiện tập luyện, biểu diễn và thi đấu nhiều, nên tôi không hề bị chút tâm lý tại bất kỳ giải đấu nào. Thậm chí, sự quyết tâm còn làm tôi “sung” hơn, thần thái hơn. Với côn, động tác khó nhất là loan côn, nhưng đó là với người mới tập, chứ với tôi thì nó như một việc quen thuộc hằng ngày”.
Ở lần đầu tiên tham dự một giải vô địch quốc gia năm 2017, Phạm Tuân đã xuất sắc giành HCV và giữ được thành tích này liên tục đến năm 2020. Tuy nhiên, ở Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2021, anh bất ngờ chỉ giành được HCB sau một “sự cố khó nói”. Dẫu vậy, ở giải đấu quan trọng nhất trong sự nghiệp tính đến thời điểm này của Phạm Tuân là Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 tổ chức tại Hải Phòng, bằng sự nỗ lực trong tập luyện cùng quyết tâm “lấy lại vị thế”, anh đã không phụ lòng tin của ban huấn luyện để đoạt tấm HCV một cách thuyết phục.
Đánh giá về Phạm Tuân, võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cũng là người thầy đầu tiên của anh, cho biết: “Phạm Tuân đã kế thừa xứng đáng lứa đàn anh và gắn tên tuổi mình với bài quy định quốc gia Thái Sơn côn. Nếu tiếp tục đầu tư tập luyện nghiêm túc, tôi tin em sẽ tiếp tục khẳng định được mình ở nội dung sở trường này tại các giải đấu quốc gia”.
Thành công của Phạm Tuân không chỉ là niềm tự hào của võ cổ truyền Bình Định, sự tin tưởng vào lớp kế thừa mà còn là nguồn cảm hứng đặc biệt cho giới trẻ yêu võ thuật. Bài Thái Sơn côn là sự kết hợp của sự dẻo dai, uyển chuyển, nhanh, mạnh, dứt khoát và thần thái của người biểu diễn. Phạm Tuân chia sẻ: “Thành quả đã gặt hái được là sự nỗ lực không ngừng của tôi cùng với sự hỗ trợ quý báu của các thầy cô và anh chị trong đội tuyển. Tôi sẽ cố gắng phát huy thêm những gì đã học được để tiếp tục đem về nhiều tấm huy chương hơn nữa. Mục tiêu của tôi là chinh phục những tấm HCV ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 và 2030”.
NGUYỄN DŨNG