Bổ sung các quy định cụ thể để đảm bảo an toàn giao thông
Chiều 24.11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) tiếp tục tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ.
Theo đại biểu (ĐB) Cảnh, Luật Trật tự, ATGT đường bộ cần phải giải quyết được “bài toán rất khó” về giao thông ở Việt Nam.
Muốn giải quyết “bài toán rất khó” này, cần sử dụng tất cả các công cụ, các phương pháp về điều khiển giao thông trên thế giới, đặc biệt là những nước có giao thông hỗn hợp giữa ô tô và xe gắn máy như Việt Nam.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh tham gia thảo luận về dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Trước hết, tại phần giải thích từ ngữ, ĐB Cảnh cho rằng phải làm rõ 2 khái niệm “ùn” và “tắc”, từ đó giải quyết được sự ùn, tắc và người dân tham gia giao thông sẽ chủ động chọn tuyến đường để đi.
Cụ thể, “ùn giao thông” là tình trạng lưu thông chậm do hệ thống giao thông bị quá tải, có thể xác định được tốc độ lưu thông trung bình của dòng xe. “Tắc giao thông” là tình trạng lưu thông rất chậm hoặc không thể di chuyển do lỗi vi phạm giao thông, xung đột giao thông hoặc các nguyên nhân bất ngờ không thể xác định được tốc độ lưu thông của dòng xe.
Thứ hai là nguyên tắc nhập làn xe góp phần giải quyết ùn tắc giao thông. Nguyên tắc của các nước trên thế giới là khi hai làn xe nhập lại một thì “1 xe bên trái rồi đến 1 xe bên phải rồi đến 1 xe bên trái...”; nếu ba làn xe thì cứ hai làn xe ngoài nhập thành một rồi sau đó nhập vào làn trên đường chính thì không bao giờ xảy ra tình trạng chen lấn gây kẹt xe như hiện nay.
Thứ ba là liên quan tới đèn giao thông. Đèn xanh thì được đi nhưng phía trước ùn tắc mà vẫn cứ đi vào thì không ai phạt. Đề nghị có quy định rõ hơn: “Tín hiệu đèn xanh là được đi; trường hợp phía trước ùn tắc thì không được tiến vào giao lộ, nếu không thể thoát ra khỏi giao lộ khi đèn đổi sang pha màu khác, nếu cản trở phương tiện được đi từ hướng khác tại nơi có vạch kẻ mắt võng sẽ bị phạt vi phạm giao thông”.
Rất nhiều tín hiệu giao thông khác cần phải cập nhật và giải thích rõ, như tín hiệu đèn vàng, tín hiệu đèn xanh nhấp nháy, tín hiệu đèn vàng nhấp nháy, tín hiệu đèn đỏ nhấp nháy, tín hiệu mũi tên xanh, mũi tên đỏ, mũi tên vàng và mũi tên vàng nhấp nháy…
Liên quan tới biển báo mới có thể giảm ùn tắc, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội có làn BRT; ở nước ngoài quy định biểu tượng hình thoi là ưu tiên cho một dòng xe. Ở ta quy định hình thoi là chuẩn bị tới làn cho người đi bộ. “Tôi đề nghị những con đường nào bị kẹt xe nhiều thì cần ưu tiên những dòng xe chở từ 3 người trở lên như xe buýt. Như vậy ở làn BRT, có thể cho xe buýt, xe chở 3 người trở lên đi chung để sử dụng hạ tầng thuận lợi, hiệu quả”, ĐB Cảnh nói.
Tiếp theo, liên quan tới giải quyết ùn tắc ở các tuyến dễ bị ùn tắc cục bộ vào các dịp lễ tết; với trường hợp này, có thể áp dụng biển báo “đường đảo chiều” để vận hành giao thông vào các dịp lễ, hoặc các tuyến đặc biệt như từ nội đô đi ra sân bay…
Về quy định mở cửa an toàn, ĐB Cảnh đề nghị có quy định “người mở cửa phải dùng tay ở xa cửa để mở cửa”. Khi đó, đầu và vai sẽ xoay về phía sau, giúp phát hiện phương tiện đến gần.
“Giống như hai con dê cùng đi qua một cái cầu và đều rớt xuống nước do chúng ta không quy định rõ ràng là con nào phải nhường đường, tôi đề nghị chúng ta phải quy định tất cả các trường hợp nhường đường xảy ra trong thực tế để người dân thực hiện, không giành đường. Bên cạnh đó, về xe ưu tiên, tôi đề nghị quy định rõ hơn là đường một làn, hai làn, ba làn, bốn làn, đường có dải phân cách… quy tắc nhường đường sẽ như thế nào?”, ĐB Cảnh góp ý.
NGUYỄN MUỘI