Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân: Nhiều lợi ích nhưng ít được quan tâm
Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân là biện pháp hiệu quả, giúp các cặp đôi chuẩn bị kết hôn biết được tình trạng sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản, từ đó chuẩn bị các điều kiện cho cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, trong đó có việc sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cặp đôi không mấy quan tâm đến vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên tại phòng khám khoa Hỗ trợ sinh sản (BVĐK tỉnh), chị X. (đề nghị không nêu tên) ở TP Quy Nhơn chia sẻ: “Tôi và chồng kết hôn được 3 năm nhưng vẫn chưa có con, đợt này chúng tôi tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ thêm, sau thăm khám chúng tôi biết nguyên nhân do tinh trùng của chồng tôi yếu. Trước đó, chúng tôi không kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn nên không rõ…”.
Khoa Hỗ trợ sinh sản (BVĐK tỉnh) đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ cho quá trình kiểm tra, theo dõi sức khỏe tiền hôn nhân. Ảnh: H.T.Đ
Bên cạnh trường hợp trên, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khác đã liên hệ khoa Hỗ trợ sinh sản (BVĐK tỉnh) để được điều trị. Gần đây nhất, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận hỗ trợ cho trường hợp của chị N.T.T.T (SN 1984) và anh N.V.D (SN 1973), hiếm muộn 7 năm, nguyên nhân là vợ mắc chứng dự trữ buồng trứng thấp, còn chồng tinh trùng yếu, phải áp dụng biện pháp thụ tinh ống nghiệm.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân thường gồm khám lâm sàng tổng quát (khám nội tổng quát và chuyên khoa phụ sản); xét nghiệm (nhóm máu, bệnh lý về máu, chức năng gan thận, viêm gan vi rút, các bệnh lây qua đường tình dục); siêu âm ổ bụng…; phát hiện bệnh tiền sử, xét nghiệm tìm bệnh di truyền, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp hoặc tư vấn phương án tiêm ngừa cần thiết nhằm hạn chế tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Từ nhiều năm nay, các chuyên gia khuyến nghị thanh niên nên khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến - Phó trưởng Khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh, phụ trách Khoa Hỗ trợ sinh sản (trước đây là đơn nguyên của Khoa Phụ sản), cho biết: Trước khi bước vào giai đoạn hôn nhân, các cặp đôi nên tiến hành kiểm tra sức khỏe, khuyến khích kiểm tra 6 tháng trước khi kết hôn. Với cách làm này, chúng ta sẽ kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, tránh lây truyền cho đứa trẻ khi mang thai; hạn chế tối đa tình trạng vô sinh, hiếm muộn; đồng thời, dễ dàng kết hợp theo dõi giai đoạn thai kỳ sau này. Để đạt hiệu quả, khám sức khỏe tiền hôn nhân cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả người vợ và người chồng vì nhiều trường hợp vô sinh hiếm muộn hiện nay xuất phát từ cả vợ và chồng.
“Thông thường, đối với những bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân tại BVĐK tỉnh, chúng tôi sẽ tiến hành các bước kiểm tra các chỉ số như: Xét nghiệm công thức máu, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu…, chi phí chỉ khoảng từ 200 - 500 nghìn đồng/ người. Đối với những bệnh nhân có nhu cầu kiểm tra chuyên sâu như: Kiểm tra tuyến giáp, kiểm tra gan, thận… hoặc khám phụ khoa sẽ có phát sinh thêm, nhưng không quá cao! Tôi nghĩ vấn đề không thuộc về tốn kém mà là chưa nhận thức đầy đủ lợi ích cũng như sự cần thiết của việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân Thùy, Trưởng Khoa Sản (BVĐK tỉnh)
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là biện pháp hiệu quả giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm (viêm gan B, C, giang mai, một số bệnh về tim mạch…), giảm thiểu tình trạng hiếm muộn, tránh được nhiều hệ lụy, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên rất ít cặp đôi quan tâm đến vấn đề này.
Th.S BS CKII Nguyễn Thanh Bảo, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (BVĐK tỉnh), cho biết: Hiện nay, số lượng người chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân tại BVĐK tỉnh rất ít, chủ yếu là khám sau khi đã kết hôn một thời gian hoặc đợi đến lúc có vấn đề về sức khỏe sinh sản mới đi thăm khám, mặc dù tại bệnh viện đã có nhiều dịch vụ khám sàng lọc, tầm soát trước khi kết hôn.
Tại các bệnh viện tuyến huyện như BVĐK khu vực Bồng Sơn cũng ghi nhận hiện tượng này. Bác sĩ Ba Văn Nhơn, Trưởng Khoa Phụ sản (BVĐK khu vực Bồng Sơn), cho biết: Hiện bệnh viện đã trang bị đầy đủ thiết bị và kỹ thuật cơ bản để hỗ trợ bệnh nhân có nhu cầu; riêng với những trường hợp kiểm tra nâng cao, chúng tôi sẽ kết hợp với những cơ sở lớn hơn hoặc đơn vị có chuyên môn. Nhưng lượng người chủ động đến đây kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân không nhiều, thường chỉ là những trường hợp có trục trặc về sinh sản sau kết hôn mới đến thăm khám.
Đối với địa bàn miền núi, theo thống kê từ Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), từ đầu năm đến nay hoạt động khám sức khỏe cho nam, nữ trước kết hôn (theo chương trình mục tiêu quốc gia về Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đạt tỷ lệ 18,3% trên tổng chỉ tiêu năm 2023 là 25%, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Dân số, TTYT huyện An Lão cho biết: Theo kế hoạch kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân trên địa bàn trong năm 2023, chúng tôi đã triển khai áp dụng cho 71/108 trường hợp. Để đạt được kết quả đó, chúng tôi đã phải tích cực triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, thậm chí là đến từng nhà vận động nhiều lần. Những trường hợp còn lại vẫn đang được tích cực vận động, tuyên truyền, nhưng tâm lý người dân vẫn còn e ngại, chưa hiểu được tầm quan trọng của kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, do rào cản tâm lý và chưa hiểu được tầm quan trọng của việc này, nên hoạt động kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân khá ít. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động thanh niên tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân năm 2023 cho đối tượng là nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và học sinh các trường THPT tại địa phương.
HỒ THỊ ĐIỂM