Ðài thiên văn Quy Nhơn: Hướng đến các dự án mang tầm quốc tế
Thông qua Ðài thiên văn Quy Nhơn, các nhà khoa học đã thu thập được dữ liệu của một ngoại hành tinh. Ðiều này khẳng định hệ thống kỹ thuật của Ðài có khả năng tham gia các dự án mang tầm quốc tế về “truy tìm” các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời.
Mới đây, các nhà khoa học sử dụng kính thiên văn CDK600 của Đài thiên văn Quy Nhơn (Đài TVQN, trong khuôn viên Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN) chụp được nhiều hình ảnh sắc nét về các hành tinh, mặt trăng, thiên hà... góp phần làm phong phú thêm kiến thức của cộng đồng về vũ trụ.
GS Yoichi ITOH, ĐH Hyogo, Nhật Bản hướng dẫn sinh viên thu dữ liệu transit tại Đài TVQN. Ảnh: TTKP
Tháng 8 vừa qua, đã hai lần Đài TVQN thu thập được dữ liệu của một ngoại hành tinh, tức là pha transit (quá cảnh thiên thể) của một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời. Dù dữ liệu ở dạng xác nhận lại, nhưng đây được xem là một thành công lớn của Đài trong hành trình nghiên cứu khám phá vũ trụ.
Việc Đài TVQN thu thập thành công dữ liệu từ một ngoại hành tinh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần làm phong phú thêm sự hiểu biết của con người đối với vũ trụ mà còn khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của Đài TVQN. Điều này mở ra cơ hội để Đài tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ trong tương lai. Thông qua đó còn góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu thiên văn giữa Đài TVQN với các đài thiên văn hàng đầu trên thế giới; đồng thời, khích lệ và thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng theo đuổi nghiên cứu thiên văn học. Quan trọng hơn, điều này chứng tỏ Đài TVQN có đủ năng lực để tham gia các dự án thiên văn quốc tế về truy tìm các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời.
Sau khi thu thập thành công dữ liệu từ ngoại hành tinh, các nhà khoa học đang tiến hành các bước xử lý, phân tích dữ liệu và viết bài báo khoa học để công bố rộng rãi ra cộng đồng khoa học thế giới.
Một trong những ưu thế của Đài TVQN là có tầm nhìn rộng, và ít bị ảnh hưởng từ ô nhiễm ánh sáng đô thị. Đây là điều kiện lý tưởng để quan sát các thiên thể. Theo chuyên gia Lê Quang Thủy, người vận hành Đài TVQN, cùng với việc trang bị trạm cảm biến thời tiết với allsky camera có độ phân giải cao, việc vận hành Đài có thể tiến hành từ xa, làm tăng hiệu quả trong việc khai thác cơ sở vật chất được trang bị tại Đài.
Tuy vậy, chuyên gia Lê Quang Thủy cho hay: Chất lượng hình ảnh thu thập được tại Đài TVQN hiện tại mới chỉ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và giảng dạy cơ bản. Muốn nâng cao chất lượng hình ảnh phục vụ cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn, cần xem xét đặt đài thiên văn ở độ cao lớn hơn trên các ngọn núi, giúp hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của khí quyển đến chất lượng quan sát. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đài TVQN trong tương lai.
Pha transit (quá cảnh thiên thể) là hiện tượng một hành tinh đi ngang qua giữa Trái Đất và ngôi sao chủ của nó, làm giảm ánh sáng từ ngôi sao chủ đến Trái Đất và việc đo đạc sự suy giảm về độ sáng này giúp chúng ta xác nhận sự tồn tại của ngoại hành tinh và nhiều thông tin khác từ chính ngoại hành tinh đó.
Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo đang ưu tiên phát triển các hoạt động phổ biến khoa học đến công chúng thuộc nhiều đối tượng, hỗ trợ công tác đào tạo và giáo dục trong các ngành khoa học và công nghệ, trong đó có lĩnh vực thiên văn. Đặc biệt, đã có nhiều học viên cao học và sinh viên đến từ các trường đại học trong nước, như: Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Tây Nguyên..., thậm chí có học viên cao học từ Pháp đến Trung tâm thực tập. Song song với hoạt động này, Trung tâm cũng đang từng bước tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thiên văn ở nhiều cấp độ khác nhau.
TS Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Trung tâm đang nỗ lực phát huy các cơ sở vật chất hiện đại và nguồn nhân lực sẵn có, kết hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để đưa đến những chương trình phổ biến khoa học đặc sắc nhất về lĩnh vực thiên văn. Đồng thời, chủ trì và tham gia các đề tài nghiên cứu sâu trong lĩnh vực thiên văn và vũ trụ, hỗ trợ cho công tác đào tạo bậc cao trong lĩnh vực thiên văn và vũ trụ. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tập trung phát triển để trở thành cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ. Điều này sẽ giúp Trung tâm xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và phát triển công nghệ thiên văn của Việt Nam. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của Trung tâm hiện nay.
HỒNG HÀ