Nỗ lực đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công
Công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt kết quả tích cực, nhưng để đảm bảo mục tiêu giải ngân đã được Thủ tướng Chính phủ và HÐND tỉnh giao, cần nỗ lực nhiều hơn. Phóng viên Báo Bình Ðịnh trao đổi với Giám đốc Sở KH&ÐT Lê Hoàng Nghi, về giải pháp để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian còn lại của năm 2023.
● Xin ông cho biết kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư năm 2023 của Bình Định?
- Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Đến ngày 13.11, tỉnh đã thực hiện giải ngân được hơn 6.909 tỷ đồng, đạt 90,5% so với kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 71,7% kế hoạch HĐND tỉnh giao; riêng kế hoạch vốn năm 2022 được cho phép kéo dài sang năm 2023 là 677,269 tỷ đồng, đã giải ngân đạt trên 98%.
Với kết quả trên, Bình Định nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
● Dù công tác giải ngân vốn đầu tư công chung của tỉnh đạt kết quả tích cực, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia chỉ mới đạt hơn 54% kế hoạch vốn được giao; kết quả giải ngân vốn một số công trình, dự án ngoài 3 chương trình nói trên cũng chưa đạt yêu cầu của UBND tỉnh…
- Khách quan nhìn nhận, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Về nguyên nhân khách quan, do nguồn thu sử dụng đất của tỉnh thời gian qua chưa đạt yêu cầu đặt ra, mặc dù tỉnh đã điều hành linh hoạt, ứng tồn quỹ ngân sách tỉnh để chi trả các nhiệm vụ mang tính cấp bách, nhưng vẫn chưa đáp ứng theo tiến độ của các dự án được phân bổ kế hoạch từ nguồn này, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.
Hơn nữa, phần lớn các dự án trọng điểm của tỉnh là các dự án trên lĩnh vực giao thông, tập trung thi công trong năm 2023, nhưng lại mất rất nhiều thời gian xin giấy phép khai thác mỏ đất, đá..., ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Ngoài ra, mặt bằng thi công một số dự án vướng quy hoạch, nên phải điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh vị trí xây dựng cho phù hợp.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị của một số chủ đầu tư chưa tốt, năng lực đơn vị tư vấn hạn chế, nên dự án phải điều chỉnh, bổ sung, thẩm duyệt nhiều lần, nhất là đối với công tác trình thẩm duyệt PCCC. Một số dự án thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm, đơn vị thi công không có mặt bằng sạch để triển khai dự án. Cũng có không ít chủ đầu tư chậm lập hồ sơ, thủ tục thanh toán, dẫn đến không giải ngân hoặc giải ngân vốn thấp, mặc dù nguồn vốn đã có sẵn.
● UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&ĐT tham mưu, đề xuất điều chuyển vốn các dự án chậm hoàn thành thủ tục đầu tư, chậm giải ngân theo các mốc thời gian đã cam kết với tỉnh sang các dự án, công trình có khối lượng hoàn thành và tỷ lệ giải ngân, thanh toán tốt hơn. Công tác này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Công tác điều hành, điều hòa kế hoạch vốn được tỉnh thực hiện rất linh hoạt, kịp thời, quyết liệt theo tinh thần thiết lập kỷ cương giải ngân đầu tư công, cương quyết điều chuyển vốn đối với các dự án chậm hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, chậm giải ngân theo các mốc thời gian đã thông báo, các dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng không thể thực hiện được sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, các dự án đăng ký hoàn thành trong năm.
Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài (TP Quy Nhơn) đến Khu đô thị Diêm Vân (huyện Tuy Phước). Ảnh: TIẾN SỸ
Từ đầu năm đến nay, Sở KH&ĐT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung 298 dự án với số tiền trên 533,8 tỷ đồng; trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung 305 dự án với số tiền trên 355,5 tỷ đồng.
● Thưa ông, để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đã được Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao, tỉnh Bình Định sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào trong thời gian còn lại của năm 2023?
- Trên cơ sở rà soát tình hình thực hiện của từng chủ đầu tư, từng dự án và khả năng thực hiện nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2023, Sở KH&ĐT ước thực hiện giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2023 toàn tỉnh là trên 9.107 tỷ đồng, đạt 119,3% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 94,5% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao, trong đó giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 đạt 100%.
Nhiều đoạn đê kè thuộc Dự án hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn đã hoàn thành, góp phần đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: TIẾN SỸ
Để đảm bảo mục tiêu trên, Sở KH&ĐT tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân, nhất là đối với kế hoạch vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 7738 ngày 19.10.2023.
Sở KH&ĐT cũng phối hợp với Sở Tài chính đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương lập thủ tục giải ngân, thanh toán khối lượng của các dự án, công trình đã được thông báo vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tham mưu đề xuất xử lý các đơn vị, chủ đầu tư yếu kém, thực hiện các công trình không đảm bảo tiến độ, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.
Sở KH&ĐT đề nghị các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, lên kế hoạch giải ngân chi tiết, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa vùng và liên vùng; tập trung đẩy nhanh tiến độ và giải ngân đúng theo văn bản cam kết. Lấy kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi. Các sở, ngành, đơn vị tùy theo chức năng nhiệm vụ, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh giao, nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)