Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Hướng về cơ sở, lợi ích của người lao động
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân đã trả lời phỏng vấn về những kết quả nổi bật trong hoạt động của Công đoàn nhiệm kỳ qua và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 với chủ đề “Đổi mới-Dân chủ- Đoàn kết-Phát triển” sẽ diễn ra từ 1-3.12, tại Hà Nội.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân đã trả lời phỏng vấn về những kết quả nổi bật trong hoạt động của tổ chức Công đoàn nhiệm kỳ qua và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi trao quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, lao động. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
- Xin ông cho biết một vài kết quả nổi bật của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2018-2023?
Ông Huỳnh Thanh Xuân: Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước.
Công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện vấn đề, lấy ý kiến để tổng hợp, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật được thực hiện bài bản, khoa học.
Tổ chức Công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt đã thể hiện rõ, hiệu quả vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Trong 5 năm qua, đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.
Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như “Tết Sum vầy,” “Tháng Công nhân” lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu ở cơ sở.
Riêng “Tết Sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28 nghìn tỷ đồng.
Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp gần 14 nghìn người lao động được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng.
Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” tiếp tục được mở rộng, định kỳ được rà soát, đánh giá, bổ sung các đối tác mới với những ưu đãi phục vụ trực tiếp lợi ích của đoàn viên, người lao động.
Hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được duy trì với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được tập trung, triển khai bằng nhiều giải pháp mới, đạt kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, đã kết nạp mới hơn 4,46 triệu đoàn viên; thành lập 24.320 công đoàn cơ sở.
Tính đến tháng 6.2023, cả nước có gần 11,1 triệu đoàn viên và 123.129 công đoàn cơ sở (tăng hơn 1 triệu đoàn viên và giảm 3.000 công đoàn cơ sở so với đầu nhiệm kỳ).
Từ năm 2018 đến nay, các công đoàn cơ sở đã giới thiệu được hơn 700 nghìn đoàn viên ưu tú (tăng 1,8 lần so với nhiệm kỳ trước), hoàn thành vượt chỉ tiêu của Nghị quyết.
Số đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam là gần 400 nghìn đoàn viên (tăng 1,4 lần so với nhiệm kỳ trước), trong đó tỷ lệ đoàn viên ưu tú ngoài khu vực nhà nước là hơn 11%.
Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách công đoàn các cấp tiếp tục được triển khai quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Quyết định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện” nhằm tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của công đoàn trong tình hình mới.
Chúng tôi cũng chú trọng triển khai đồng bộ, thường xuyên công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đạt kết quả tích cực. Trong nhiệm kỳ, đã cử đi đào tạo hơn 4.000 lượt cán bộ công đoàn; có hơn 2,2 triệu lượt cán bộ công đoàn được tập huấn, bồi dưỡng về lý luận nghiệp vụ công tác công đoàn (gấp 1,6 lần so với nhiệm kỳ trước), trong đó cán bộ công đoàn cơ sở chiếm hơn 75%.
- Thời gian qua, người lao động trên cả nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tổ chức Công đoàn đã đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Thanh Xuân: Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư, ảnh hưởng lớn đến việc làm, sức khỏe, đời sống của đoàn viên, người lao động, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai các biện pháp phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Tổng Liên đoàn đã ban hành và tổ chức triển khai 05 gói hỗ trợ với quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, trang thiết bị cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ,” “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do COVID-19... với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.
Tại các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn là thành viên quan trọng, tích cực tham gia ban chỉ đạo, tổ phòng, chống dịch tại cơ sở, nhất là những địa bàn tập trung đông công nhân; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, nỗ lực vượt khó, chia sẻ với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất an toàn tại doanh nghiệp đủ điều kiện.
Thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ cho gần 82 nghìn đoàn viên, người lao động đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 114 tỷ đồng; dự kiến sẽ có hơn 90 nghìn đoàn viên, người lao động tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng số tiền ước khoảng 145 tỷ đồng.
Đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp tận tụy, bám sát cơ sở, đi sâu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trực tiếp tổ chức, tham gia các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ cho công nhân, lao động; tổ chức kịp thời các hoạt động an sinh, giúp người lao động duy trì cuộc sống. Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động ra đời, phát huy hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền, người lao động, người sử dụng lao động đánh giá cao, thể hiện rõ vai trò của tổ chức công đoàn đồng hành cùng đoàn viên, người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn như “Tổ An toàn COVID-19,” “Vùng xanh doanh nghiệp,” xe ôtô chuyên chở công nhân; siêu thị 0 đồng; xe buýt siêu thị 0 đồng, túi an sinh xã hội, túi thuốc cho F0; suất cơm nghĩa tình hỗ trợ các hộ khó khăn, lực lượng phòng, chống dịch; mô hình tư vấn sức khỏe phòng ngừa đại dịch COVID-19; Đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà cho đoàn viên, người lao động; Mô hình đi chợ hộ cho đoàn viên…
- Xin ông cho biết những mục tiêu chính của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ 2023-2028?
Ông Huỳnh Thanh Xuân: Nhiệm kỳ tới, tổ chức Công đoàn Việt Nam đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội.
Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.
Đồng thời, đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hoạt động Công đoàn trong nhiệm kỳ tới tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy nhu cầu, lợi ích của đoàn viên, người lao động làm căn cứ xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của đoàn viên, người lao động trong thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo TTXVN/Vietnam+)