THỰC HIỆN TIÊU CHÍ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:
“Cú huých” thúc đẩy chuyển đổi số
Thời gian qua, việc thực hiện tiêu chí thông tin và truyền thông trong xây dựng nông thôn mới luôn được ngành thông tin và truyền thông, chính quyền các địa phương trong tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng, tạo “cú huých” thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông (TT&TT) gồm các chỉ tiêu: Có điểm phục vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông internet, đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành.
Tích cực cải tạo, nâng cấp hạ tầng CNTT
Để thực hiện tiêu chí trên, thời gian qua, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng CNTT cơ bản từ nguồn vốn ngân sách, kinh phí hỗ trợ từ huyện, thị xã, thành phố, tỉnh và Trung ương. Nhờ vậy, đến nay, hạ tầng CNTT ở các xã đã từng bước cải thiện, nâng cao.
Xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) về đích NTM vào năm 2016. Theo lộ trình, cuối năm nay, xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao. Xác định TT&TT là tiêu chí quan trọng, tạo điều kiện để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí khác liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính…, địa phương đã tập trung nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hạ tầng CNTT.
Ông Võ Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Khánh, cho biết: Địa phương đã hoàn thành chuyển đổi đài truyền thanh hữu tuyến và truyền thanh vô tuyến sang đài truyền thanh ứng dụng CNTT, đồng thời lắp đặt 80 loa ở 40 điểm cụm loa truyền thanh trên địa bàn. 100% cán bộ, công chức xã xử lý công việc trên môi trường mạng. Tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đều được địa phương lắp đặt mạng wifi miễn phí. Toàn xã có 5.670/7.064 hộ sử dụng điện thoại thông minh. Đặc biệt, xã đã đầu tư xây dựng 1 bưu điện văn hóa rộng 100 m2 để phục vụ các loại hình dịch vụ công trực tuyến như: Cấp đổi căn cước, GPLX, lý lịch tư pháp, BHXH và một số thủ tục hành chính khác. Xã đang phối hợp với Sở TT&TT đầu tư, lắp đặt hệ thống mạng LAN, với kinh phí thực hiện gần 150 triệu đồng, trong đó thị xã hỗ trợ gần 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Minh Quân, ở xã Nhơn Khánh, chia sẻ: “Gần đây, hệ thống cụm loa truyền thanh được sửa chữa, nâng cấp, các bản tin thường xuyên cập nhật nên chúng tôi tiếp nhận rất nhiều thông tin mới. Đặc biệt, đài truyền thanh ứng dụng CNTT có tín hiệu âm thanh tốt hơn, ít gặp sự cố bị nhiễu sóng, rè loa…, giúp bà con tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn”.
100% cán bộ, công chức xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) được trang bị máy tính làm việc. Ảnh: T.L
Gia tăng tiện ích cho người dân
Tương tự, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) - được tỉnh chọn xây dựng điểm xã NTM kiểu mẫu - cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, phấn đấu về đích vào cuối năm nay. Để hiện thực hóa mục tiêu này, xã phải hoàn thiện 3 tiêu chí bắt buộc trong Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, trong đó có mô hình thôn thông minh, đảm bảo các yêu cầu: Điểm phát wifi miễn phí công cộng, có hệ thống camera giám sát an ninh tại các vị trí ra/vào địa bàn thôn.
Ông Đoàn Văn Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Quang, cho hay: Nhận thấy CNTT đóng vai trò quan trọng khi tạo điều kiện thuận lợi để người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển KT-XH. Ngoài chọn An Hòa để thực hiện thôn thông minh, địa phương chọn tiêu chí kiểu mẫu về chuyển đổi số (tiêu chí tự chọn trong bộ tiêu chí dành cho xã xây dựng NTM kiểu mẫu). Để thực hiện đảm bảo bộ chỉ số của tiêu chí này, xã lắp đặt xong hệ thống wifi miễn phí ở 11 nhà văn hóa thôn, chợ, công viên…; hoàn thành lắp đặt 59 camera an ninh trên các tuyến đường liên thôn, xã; thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở chợ Văn Quang; xây dựng bản tin điện tử công cộng.
Bên cạnh đó, xã thành lập 12 tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có 11 tổ/11 thôn và 1 tổ của xã. Đây là lực lượng nòng cốt để hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử uy tín; kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn; nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số… “Nhờ tuyên truyền sâu rộng, đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng đạt gần 80%”, ông Điệp cho hay.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 106/111 xã xây dựng NTM, NTM nâng cao đạt tiêu chí TT&TT (đạt tỷ lệ 95,4%), phấn đấu đến cuối năm 2025 có 97% số xã đạt chuẩn tiêu chí này. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện tiêu chí số 8 còn gặp không ít khó khăn, nhất là hạ tầng CNTT ở nhiều xã xuống cấp, lạc hậu; đặc biệt là ở các xã miền núi.
Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: “Đặc thù là huyện miền núi, có xuất phát điểm thấp, nên hạ tầng CNTT ở địa phương còn kém phát triển. Hiện nay, huyện đang tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống CNTT. Hy vọng, năm 2024, hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số”.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra về thực hiện tiêu chí TT&TT trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng CNTT, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở nông thôn.
TRỌNG LỢI