Thấu hiểu, sẻ chia với phụ nữ và trẻ em khiếm thị
Hội Người mù tỉnh vừa được Hội Người mù Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em khiếm thị trong giai đoạn 1998 - 2023.
Theo bà Mai Thị Bích Thu, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, đến nay, Hội Người mù tỉnh có 289 hội viên nữ và 68 trẻ em. Phụ nữ trong độ tuổi lao động luôn được Hội quan tâm tạo điều kiện học chữ, học nghề, hỗ trợ việc làm.
Hội Người mù tỉnh trao quà cho hội viên là phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGỌC TÚ
Bằng chính nghị lực và sự hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh, chị Nguyễn Thị Oanh Kiều (30 tuổi, quê ở xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) đã vượt qua khó khăn từ khiếm khuyết của bản thân, gia cảnh. Giờ đây, chị Kiều đã tạo dựng gia đình hạnh phúc, cùng một cơ sở massage khiếm thị ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Quy Nhơn).
“Năm 18 tuổi, đôi mắt của tôi không còn nhìn thấy được. Dù đã chuẩn bị tâm lý vì trước đó đôi mắt đã có những dấu hiệu bất thường, nhưng tôi không tránh khỏi hoảng loạn. Hội Người mù tỉnh đã động viên và dạy nghề massage để tôi tiếp tục bước đi”, chị Kiều chia sẻ.
Bên cạnh hỗ trợ việc làm, Hội Người mù tỉnh còn vận động các nhà hảo tâm kịp thời thăm hỏi, động viên chị em khiếm thị trong dịp lễ, tết, đặc biệt là lúc khó khăn. Điển hình, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với nhà hảo tâm hỗ trợ 16 triệu đồng cho chị Phạm Thị Bích Thủy (42 tuổi, ở huyện Hoài Ân; mẹ đơn thân của đứa con nhỏ bị chứng bại não) để chạy chữa cho con. Nhà hảo tâm còn hỗ trợ chị mỗi tháng 800 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, Hội Người mù tỉnh mở lớp tập huấn về phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thị đa tật trên địa bàn tỉnh. Hội cũng vận động và gửi 35 em đi học ở các trường chuyên biệt và hòa nhập tại TP Hồ Chí Minh, 4 em đang học ở Trường Chuyên biệt Hy Vọng TP Quy Nhơn. Ngoài ra, còn có 3 em đang học đại học; một em đã tốt nghiệp đại học, đang làm giáo viên tại TP Hồ Chí Minh.
Em Phan Thanh Nhi (21 tuổi, ở quê xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đang là sinh viên năm 4 tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Sau khi ra trường, tôi cố gắng ở lại thành phố làm việc để tích lũy vốn. Khi đủ vốn, tôi sẽ tìm cơ hội mở trường giáo dục đặc biệt ở quê mình để giúp đỡ cho các bạn trẻ khiếm thị, như các cô chú ở Hội Người mù tỉnh và mọi người đã giúp đỡ mình".
ĐỖ THẢO