MÔ HÌNH NGƯ DÂN THU GOM RÁC THẢI NHỰA TỪ TÀU CÁ VỀ BỜ:
Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Cuối tháng 11.2023, phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ đã triển khai thí điểm mô hình thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ. Ðã có trên 200 tàu cá Bình Ðịnh thực hiện mô hình, hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Theo nghiên cứu do UNDP tại Việt Nam phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) thực hiện tại Cảng cá Quy Nhơn, trung bình mỗi tháng Cảng cá Quy Nhơn có hơn 300 tàu cá đánh bắt xa bờ về cập bến và xả thải ra đại dương khoảng 4,2 tấn rác thải nhựa gồm vỏ chai nước uống, bao bì thực phẩm, bì nhựa đựng thủy sản... Nếu lượng rác thải nhựa này được thu gom, phân loại, tái chế phù hợp sẽ góp phần bảo vệ biển và đại dương, tạo diện mạo mới sạch đẹp cho Cảng cá Quy Nhơn.
Nhận thấy sáng chế túi lưới đựng rác thải trên tàu cá và thiết kế quy trình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn của TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, UNDP tại Việt Nam đã cho triển khai thí điểm mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ cho 200 chủ tàu cá Bình Định tham gia mô hình; hỗ trợ xây dựng mới nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn; tặng thiết bị thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa; hỗ trợ thành lập tổ thu gom tại Cảng cá Quy Nhơn để thực hiện mô hình.
Túi lưới đựng rác trên tàu cá sử dụng tiện lợi, góp phần bảo vệ biển và đại dương. Ảnh: NGỌC NHUẬN
TS Trần Văn Vinh cho biết: “Các loại rác thải nhựa của ngư dân sử dụng trên tàu cá trong chuyến biển sẽ được bỏ vào túi rác. Khi tàu về bờ, tổ thu gom rác thải nhựa tại Cảng cá Quy Nhơn sẽ mua gom, phân loại đưa đi tái chế, xử lý. Không chỉ ngư dân, tổ thu gom rác thải nhựa đều có thu nhập, mà lợi ích lớn nhất là hạn chế nguồn rác thải nhựa vứt xuống biển và đại dương”.
Tham gia mô hình nói trên, ngư dân Ngô Minh Châu, ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn), chia sẻ: “Tôi thấy việc ngư dân và cảng cá cùng chung tay quản lý rác thải nhựa đại dương rất ý nghĩa. Nhà tôi có 6 tàu cá đánh bắt xa bờ, ngoài túi lưới đựng rác được hỗ trợ, tôi tự làm thêm nhiều túi khác trang bị trên các tàu cá của gia đình; đồng thời, vận động ngư dân khi đi biển bỏ rác thải nhựa vào túi rác để mang về bờ xử lý”.
Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Luyến, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn), chủ 4 tàu đánh bắt xa bờ cũng tham gia mô hình này, bộc bạch: “Túi lưới đựng rác giống như ngư cụ gần gũi với ngư dân lại không chiếm nhiều diện tích trên tàu so với thùng rác, có thể để ở sau lái, khoang máy hay hầm tàu. Các loại rác thải nhựa trên tàu, như vỏ lon bia, nước ngọt; chai nhựa, đồ hộp... bỏ vào túi lưới không thể rơi ra ngoài khi tàu hoạt động trong điều kiện sóng gió. Ngư dân cũng có thể khâu vá lại nếu túi đựng rác bị rách, tận dụng lưới cũ để làm thêm nhiều túi khác sử dụng theo nhu cầu”.
Để triển khai thí điểm mô hình thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ tại Cảng cá Quy Nhơn đạt hiệu quả cao, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, chia sẻ: “Chương trình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ tại Cảng cá Quy Nhơn là mô hình triển khai đầu tiên trên cả nước. Cùng với việc duy trì hoạt động thu gom rác thải nhựa, chúng tôi sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, cũng như các DN, chủ nậu cùng chung tay thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường biển và đại dương”.
“Tôi kỳ vọng từ mô hình do UNDP hỗ trợ triển khai sẽ khuyến khích tỉnh Bình Định ban hành các chính sách, quy chế về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là đưa rác thải nhựa từ tàu cá về bờ. Thêm nữa, mô hình thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ có tiềm năng to lớn để chúng tôi hỗ trợ nhân rộng cho cả tỉnh Bình Định, cũng như triển khai trên 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam”.
Ông PATRICK HAVERMAN, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam
ĐOÀN NGỌC NHUẬN