Tiếp tục khắc phục bất cập về phòng cháy chữa cháy
Nghị quyết số 12/2022/NQ-HÐND ngày 20.7.2022 của HÐND tỉnh quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về PCCC, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC.
Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), CA toàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND, các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, nòng cốt là lực lượng CA đã phối hợp rà soát, hướng dẫn trực tiếp 177/179 cơ sở thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục các tồn tại về PCCC (có 2 cơ sở ngừng hoạt động). Có 105 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các tồn tại về PCCC, như trang bị, lắp đặt thang ngoài nhà, mở lối thoát nạn khẩn cấp; lắp đặt hệ thống PCCC; sử dụng hạ tầng cấp nước chữa cháy đô thị và trang bị, bổ sung phương tiện chữa cháy ban đầu, duy trì điều kiện lối thoát nạn…
Cảnh sát PCCC hướng dẫn cách sử dụng và kiểm tra thiết bị chữa cháy cầm tay cho lực lượng tại chỗ của một khách sạn ở TP Quy Nhơn. Ảnh: K.A
Đơn cử, nhà làm việc của Điện lực Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) đã hoàn thiện hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC&CNCH; duy trì sự thông thoáng của đường, lối thoát nạn tại cơ sở. Còn Trường THCS Phước An (huyện Tuy Phước) đã mở lối thoát nạn khẩn cấp; Trường THCS Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) đã trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu…
“Chúng tôi tập trung rà soát gắn liền với việc hướng dẫn, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, DN và người dân theo thẩm quyền, nhất là các cơ sở đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực thi hành, không đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh được nâng cao”, thượng tá Tuấn cho biết.
Toàn tỉnh hiện có 12.696 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC hoạt động trên 14 lĩnh vực. Trong đó, có hơn 1.000 cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ (chiếm 8,2%); 31 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao (chiếm 2,8% trong tổng số khu dân cư); 179 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC.
Từ khi Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND có hiệu lực thi hành (ngày 30.7.2022) đến ngày 15.11.2023, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ cháy, làm chết 1 người, bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 29 tỷ đồng. Không có vụ cháy nào xảy ra tại cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực.
Trong khoảng thời gian đó, CA các cấp tổ chức 293 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, lực lượng dân phòng với 39.769 người tham gia. Tuyên truyền trực tiếp 2.500 lượt với 406.185 lượt người nghe. Xây dựng 988 phương án chữa cháy, 937 phương án CNCH…
Có thể nói, Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC và các đơn vị có liên quan giải quyết nhiều “bài toán khó” tồn tại dai dẳng.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cho thấy một bộ phận người đứng đầu cơ sở, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung đã được phân công nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND. Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ cho công tác PCCC tại cơ sở phụ thuộc vào nguồn kinh phí được cấp hằng năm do Nhà nước phân bổ còn hạn chế…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc thực hiện đối với những cơ sở chưa khắc phục các tồn tại đã được chỉ ra. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các nội dung Nghị quyết đảm bảo sát với điều kiện thực tế, tình hình khả năng khắc phục của cơ sở”, thượng tá Tuấn nói thêm.
KIỀU ANH