Chuyện về một gia đình hiếu học
Có người thanh niên nhà nghèo dở dang đèn sách, khi làm cha của đàn con 9 đứa, vì muốn có thêm kiến thức để chỉ dạy cho con mình học mà đêm đêm ông phải đi học bổ túc. Không phụ lòng cha, những đứa con ông đều nỗ lực học hành và 9 người đều tốt nghiệp đại học, có người còn lấy bằng thạc sĩ. Chuyện ở gia đình ông bà Võ Mai - Nguyễn Thị Mai, số nhà 403 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn…
Ông Võ Mai (SN 1936) và người vợ cùng tên - bà Nguyễn Thị Mai (SN 1940) đều cùng quê xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Là con cả trong gia đình có 3 con, nhà nghèo, chỉ học đến đệ lục (lớp 7 bây giờ), ông Mai đã phải nghỉ học, đi học nghề may. Gia cảnh bà Mai lại càng khó khăn hơn. 5 tuổi bà đã mồ côi mẹ, sống nhờ sự bảo bọc của ông bà nội, lớn lên cũng đi học nghề may. Đôi trai gái ấy gặp nhau khi cùng làm tại cơ sở may ở Quy Nhơn và nên duyên chồng vợ năm 1963.
Đôi vợ chồng trẻ tay trắng lập nghiệp nơi phố thị. 1 năm sau, con gái đầu lòng Võ Thị Kiều Phượng của họ ra đời. Theo thời gian, “quân số” của gia đình trẻ ấy ngày một đông, lần lượt 8 người con: Lệ Hồng, Đức Dũng, Xuân Cảnh, Xuân Sang, Chí Hiếu, Xuân Đào, Kim Bằng và Quý Phương nối tiếp nhau ra đời. Hai vợ chồng ông bà Mai tối mặt sớm hôm may vá, tằn tiện mới lo đủ ngày 2 bữa cơm cho gia đình.
Nhà nghèo, con đông, song trong sâu thẳm suy nghĩ nghiêm túc của mình, ông Mai luôn coi trọng sự học. Với vốn kiến thức ít ỏi trường làng trước đây mình được học, ông Mai kèm cặp các con từ những ngày đầu đến trường. Đêm đêm chong đèn vừa may vừa canh con học là hình ảnh cảm động nhất về người cha mà đàn con ông Mai không thể nào quên được.
Đồng hành cùng con đến hết bậc tiểu học, ông Mai nhận ra, với kiến thức lớp 7 của mình thì quá ít ỏi để dạy con. Do vậy, ông quyết định làm cái việc mà chẳng ai hiểu nổi: đăng ký đi học bổ túc vào ban đêm!
“Lúc đó thời bao cấp, tui đăng ký học chương trình từ lớp 8 trở lên tại phường vào buổi tối. Học để có thêm kiến thức đặng chỉ dạy tụi nhỏ và còn để làm gương cho con. Thấy chồng đã đứng tuổi lại còn cắp cặp đi học, bà nhà tui can, rằng “người ta cán bộ cần đi học để làm việc, mình là dân lao động tay chân nghèo, đi học người ta cười cho”. Dù hiểu được mục đích việc của chồng nhưng vì cuộc sống quá khốn khó, nhà không thể nuôi thêm “học trò” nào nữa nên có lúc bà nhà tui không khỏi càm ràm, tui hứa với bả sẽ sớm dừng nhưng rồi lần lữa, kéo đến hết lớp 11…”, ông Mai kể.
Cô con gái đầu của ông bà, khi học lớp 10, nhìn gia cảnh khó khăn, Kiều Phượng muốn bỏ học để theo mẹ đi làm nuôi các em. Biết được suy nghĩ của con, ông bà “cấm tiệt”, đồng thời động viên con cố gắng. Năm 1982, Phượng thi đỗ vào trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh. 2 năm sau, cô em gái Lệ Hồng cũng thi đỗ ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Niềm tự hào của gia đình cứ thế lớn dần lên: năm 1986 anh Đức Dũng cũng đỗ ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, liên tiếp hai năm 1988, 1989, lần lượt anh em Xuân Cảnh, Xuân Sanh đỗ ĐH Y Dược Huế, năm 1992, 1993 đến lượt anh em Chí Hiếu, Xuân Đào đỗ ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, rồi đến lượt Kim Bằng đỗ ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và cuối cùng là cậu út Quý Phương đỗ ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh.
Nói chuyện với ông bà, người viết không khỏi ngạc nhiên, khi tuổi đã khá cao, ông bà vẫn nhớ rành rẽ năm từng đứa con mình đỗ đại học. Có lẽ đó là những dấu mốc hạnh phúc, những “vụ mùa” chữ nghĩa con cái mang lại mà người làm cha mẹ đã gian khó gieo trồng, không thể quên. Gia đình ông bà Mai nhiều năm liền được bầu chọn là “Gia đình hiếu học” cấp thành phố, cấp tỉnh. Tháng 10.2007, gia đình được mời đi dự đại hội gặp mặt các gia đình, dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II, được tổ chức tại Hà Nội. Các con thành đạt, lập nghiệp ở xa (hầu hết tại TP Hồ Chí Minh), giờ đây vợ chồng ông bà sống cảnh vợ chồng son với những niềm vui giản dị thường ngày.
PHONG NGUYÊN