Phụ nữ và “đức hy sinh”
Tôi tình cờ đọc một bài viết đăng trên một trang mạng có tựa đề: “Phụ nữ ơi, hãy ngừng hy sinh”. Đại ý, nội dung bài viết cho rằng, ở vào thời đại ngày nay, hai từ “hy sinh” gắn chặt rằng rịt với thân phận người phụ nữ phải nên được tháo bỏ; rằng báo chí, dư luận, xã hội nên ngừng việc tuyên truyền, ca ngợi về phẩm chất hy sinh của người phụ nữ cho gia đình. Đồng tình với quan điểm này còn có một số bài viết khác, ngay từ tựa đề đã như một lời kêu gọi khẩn thiết, như “Thức dậy đi phụ nữ, đừng mù quáng nữa”, “Vì sứ mệnh của phụ nữ mình là phải đẹp”…
Đây chỉ là một vài ví dụ về hiện tượng rộ thông điệp “phụ nữ ơi, hãy ngừng hy sinh” trong thời gian gần đây, xuất hiện dưới nhiều hình thức: trên diễn đàn mạng, sách, báo, tạp chí, các chương trình trên truyền hình…
Sự xuất hiện của những bài viết, quan niệm trên không phải là vô căn cứ. Chúng ra đời từ trong phong trào bảo vệ quyền lợi phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ diễn ra trên cả thế giới từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa tích cực, trào lưu kêu gọi “phụ nữ ngừng hy sinh” còn biểu hiện một lối suy nghĩ có phần hạn hẹp và lệch lạc của một bộ phận nhỏ người dân trong xã hội - dù trực tiếp nói lên suy nghĩ hay chia sẻ sự đồng tình, hưởng ứng.
Không phải ngẫu nhiên mà nói về người phụ nữ Việt Nam, từ “hy sinh” không đứng riêng lẻ mà thường đứng sau từ “đức” hay “phẩm chất”. Đã là đức tính, phẩm chất thì đương nhiên là rất tốt đẹp, qua sàng lọc, kết tinh mà thành. “Phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh” là câu chúng ta rất thường nghe, có lẽ nhiều nhất là từ bạn bè quốc tế. Tôi hình dung, lời khen ngợi này chẳng khác nào một “vương miện” vô hình mà mọi phụ nữ Việt Nam đều tự hào sở hữu. Vậy thì tại sao lại bảo phụ nữ ngừng/bỏ điều tốt đẹp, quý giá này đi?
Con người sinh ra và sống vì người khác mới khó chứ vì bản thân mình thì rất dễ. Bởi đó gần như là việc thuộc về bản năng. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã tạo ra phẩm chất cao đẹp cho người phụ nữ Việt Nam gói gọn trong hai từ “hy sinh” chứa đựng nhiều tầng nghĩa sâu xa. Hy sinh là một trong những phẩm chất cao đẹp của con người và được xem là biểu hiện của lòng nhân ái. Đức hy sinh khiến cho ai đó sẵn sàng nhường, san sẻ quyền lợi vật chất và tinh thần cho người khác. Trong phạm vi gia đình, phụ nữ mà không thể hy sinh vì chồng con thì cũng có nghĩa là đã không sở hữu hoặc đã đánh mất đi “quyền uy”, “vũ khí”, “bảo bối” tối thượng của người xây tổ ấm trong gia đình.
KHẢI THƯ