Cấp nước sạch tập trung cho đô thị: Nhiều nỗ lực nhưng chưa hết lo!
Năm 2023, tỷ lệ dân cư đô thị của tỉnh Bình Ðịnh được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 86%. Tuy đạt chỉ tiêu đề ra, song vẫn còn nỗi lo tỷ lệ cấp nước đô thị không đồng đều, hạ tầng cấp nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.
Hiện TP Quy Nhơn đang dẫn đầu với 99,86% cư dân đô thị được cấp nước sạch; các địa phương đạt từ 90% trở lên có TX An Nhơn, huyện Tây Sơn, Hoài Ân. Ông Võ Hữu Thiện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, năm 2023 là năm đầu tiên chỉ tiêu tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung được tỉnh giao cụ thể, nên 11 huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, hạ tầng cấp nước sạch phát triển không theo kịp tốc độ phát triển đô thị, nhất là tại TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn, huyện Tây Sơn.
Cấp nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa
Đến nay, ở 11 phường nội thị Hoài Nhơn, tỷ lệ cư dân được dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung mới đạt khoảng 69,08%. Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho hay, một trong những thách thức là hạ tầng cấp nước. Địa bàn có 3 đơn vị cấp nước sạch tập trung thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Công ty TNHH Cấp thoát nước miền Trung. Việc đầu tư phát triển và mở rộng mạng lưới cấp nước sạch còn hạn chế, đa số chỉ tập trung các tuyến đường trục chính, tuyến đường có nhiều hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch.
Nhà máy nước thị trấn Phú Phong sẽ được huyện Tây Sơn đầu tư nâng công suất lên 5.000 m3/ngày đêm. Ảnh: M.H
Còn ở huyện Tây Sơn, đưa tôi đi thăm nhà máy nước thị trấn Phú Phong, đơn vị đang cấp nước cho 4.456 hộ dân trong huyện (trong đó có 2.686 hộ ở Phú Phong), ông Hà Huỳnh Uy Vũ, Phó trưởng Ban Quản lý cấp và thoát nước huyện Tây Sơn, nói: Với công suất 2.000 m3/ngày đêm, việc cấp nước sinh hoạt vào mùa nắng khá căng thẳng, thường mất nước giờ cao điểm và ngày cuối tuần. Huyện đang lập thủ tục đầu tư nâng công suất nhà máy lên 5.000 m3/ngày đêm để đảm bảo phục vụ các khu dân cư mới tại Phú Phong và cụm công nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Nguyễn Văn Khánh, 2 khu đô thị Phú Phong và Tây Giang có hơn 28.400 hộ được cấp nước sạch (93,6%), trong đó thị trấn Phú Phong có 2 nhà máy, Tây Giang có 1 nhà máy. Song, với việc trên địa bàn dần hình thành thêm nhiều khu dân cư mới, nhất là tại Phú Phong, hơn nữa huyện cũng phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2024, thì vấn đề thiếu nước đã hiển hiện trước mắt.
Tại An Nhơn, cấp nước sạch cho đô thị trở thành vấn đề “nóng” tại kỳ họp HĐND thị xã cuối năm 2023. Hiện 90% hộ dân đô thị được cấp nước, nhưng đây mới là tỷ lệ ở 5 phường nội thị. Chưa kể việc nâng tỷ lệ cấp nước cho khu vực nội thị còn lại, với quyết tâm phát triển lên thành phố trước năm 2025, từ bây giờ An Nhơn còn phải chuẩn bị để có thể cấp nước sạch tập trung cho 6 xã sẽ lên phường (Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Phúc).
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, phân vùng cấp nước
Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định là đơn vị cấp nước chủ yếu cho các đô thị trên địa bàn tỉnh, công suất đang hoạt động 82.500 m3/ngày đêm, với gần 125 nghìn khách hàng. Trong đó, phần các nhà máy của đơn vị có công suất 53.200 m3/ngày đêm; thêm vào đó Nhà máy xử lý nước Hà Thanh (do Công ty TNHH MTV Cấp nước Senco Bình Định quản lý theo hợp đồng thuê tài sản) có công suất 29.300 m3/ngày đêm. Đến cuối năm nay, khi Nhà máy nước sạch Quy Nhơn giai đoạn 1 (Công ty TNHH MTV Cấp nước Senco Bình Định quản lý) chính thức cấp nước thương phẩm, sẽ có thêm 30.000 m3/ngày đêm được bơm vào hệ thống.
Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định đang cấp nước chính cho các đô thị trên địa bàn tỉnh, với công suất 82.500 m3/ngày đêm. Ảnh: M.H
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định, thông tin: Đơn vị đang đầu tư dự án cấp nước tại phường Nhơn Hòa (An Nhơn); mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước cho phường Nhơn Thành (An Nhơn) và các phường Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Tam Quan Nam (Hoài Nhơn); cải tạo, thay thế một số tuyến ống tại địa bàn Quy Nhơn để nâng cao chất lượng phục vụ, giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch và lắp đặt mới tuyến ống D250 từ trạm bơm tăng áp KV 7 phường Bùi Thị Xuân dọc theo tuyến ĐT 638 để tăng công suất cấp nước cho KCN Becamex VSIP Bình Định. Trở ngại lớn nhất là giải phóng mặt bằng, chính vì khâu này còn vướng nhiều nên tiến độ đầu tư các dự án, công trình, mạng lưới nước sạch bị chậm, kéo dài.
Hiện nay, TX An Nhơn tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy nước Nhơn Phúc - Nhơn Khánh, nhà máy nước Nhơn Hậu - Nhơn Mỹ; nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt 3 xã khu Đông. Ông Lê Hoài An, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Cùng với việc triển khai mở rộng hệ thống cấp nước, thị xã đã yêu cầu UBND các phường tăng cường công tác phối hợp, tạo điều kiện cho Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định triển khai thi công mở rộng mạng lưới cấp nước.
TX Hoài Nhơn cũng xác định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đấu nối, sử dụng nước sạch, phân vùng cấp nước tập trung. Địa phương kỳ vọng sắp tới dự án cấp nước sạch theo hình thức đối tác công tư PPP hay hợp đồng BOO với kinh phí hơn 330 tỷ đồng được thực hiện sẽ xóa tình trạng “trắng” nước sạch ở khu vực Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Đức, Hoài Phú và 7 khu phố thuộc phường Hoài Thanh Tây; qua đó nâng chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch lên 80%...
Nước sạch là một tiêu chí quan trọng để phân loại đô thị
Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tập trung là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại đô thị. Do đó, cùng với đầu tư các nhà máy cấp nước, đơn vị dịch vụ cấp nước, chính quyền các đô thị cần tập trung đầu tư nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước đồng bộ với phát triển đô thị, ký kết phân vùng cấp nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đấu nối, sử dụng nước sạch…
Sở Xây dựng đang rà soát dự án đầu tư nhà máy nước sạch công suất 20.000 m3/ngày đêm cung cấp một phần cho KCN Becamex VSIP Bình Định và huyện Vân Canh để đưa vào dự án trọng điểm của tỉnh, kêu gọi đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng VÕ HỮU THIỆN
MAI HOÀNG