Nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn
Ngân hàng CSXH tỉnh đã và đang tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, bảo đảm việc chuyển tải nhanh, thuận lợi các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đối tượng được thụ hưởng, đồng thời quản lý bảo toàn và phát triển tốt nguồn vốn của Nhà nước.
Xác định việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) quyết định hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách (TDCS), năm 2023, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể củng cố, kiện toàn 2.367 tổ TK&VV ở các thôn, khu phố trên địa bàn 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, ngân hàng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo quy trình, nghiệp vụ cho hơn 6.800 lượt cán bộ hội, đoàn thể, ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn và ban quản lý tổ TK&VV nhận ủy thác từ ngân hàng, chuyển tải dòng vốn TDCS đến đối tượng được thụ hưởng. Ngân hàng cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát quá trình hoạt động của tổ TK&VV tại địa phương; tích cực hướng dẫn tổ TK&VV và ban quản lý tổ TK&VV quy trình, thủ tục cho vay, gửi tiền tiết kiệm; cách ghi chép, theo dõi, kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn. Bên cạnh đó, tăng cường họp giao ban tại điểm giao dịch xã để cùng triển khai nhanh các giải pháp nhằm phát huy hiệu nguồn vốn vay.
Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách cho các tổ tiết kiệm và vay vốn. Ảnh: TIẾN SỸ
Tại huyện Phù Mỹ, việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV đã được Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ đặc biệt quan tâm. Chị Võ Thị Nhanh, tổ trưởng tổ TK&VV thôn Mỹ Trang (xã Mỹ Châu), cho hay: Ngoài việc được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ tín dụng, định kỳ ngày 7 hằng tháng, chúng tôi còn dự họp giao ban tại điểm giao dịch xã. Tại đây, cán bộ ngân hàng phụ trách địa bàn, đại diện hội, đoàn thể và các tổ trưởng TK&VV cùng thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động tín dụng, bình bầu xếp loại hoạt động của mỗi tổ TK&VV tháng trước. Chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi cách làm hay trong việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành viên của tổ phát huy hiệu quả vốn vay. Nhờ vậy, chất lượng tổ TK&VV thôn Mỹ Trang luôn xếp loại tốt. Hiện 45 thành viên trong tổ có dư nợ ngân hàng là 2,8 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.
Theo ông Phan Phương Trình, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, qua quá trình đào tạo, tập huấn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, hầu hết các tổ trưởng tổ TK&VV đã thông thạo quy trình, nghiệp vụ, trở thành “cánh tay nối dài” của ngân hàng trong việc chuyển tải dòng vốn tín dụng đến với các đối tượng được thụ hưởng. Dựa trên dư nợ cho vay và chất lượng tín dụng hằng tháng, ngân hàng cùng ban giảm nghèo xã, các hội, đoàn thể, tổ TK&VV đánh giá, bình bầu xếp loại tổ TK&VV. Ngân hàng thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ, khen thưởng động viên các đơn vị nhận ủy thác. Nhờ đó đã phát huy tinh thần trách nhiệm của các đơn vị đối với hoạt động TDCS. Toàn huyện hiện có 276 tổ TK&VV hoạt động hiệu quả tại 168/168 thôn, khu phố, trong đó tổ TK&VV xếp loại tốt chiếm tỷ lệ 98,55%, không có tổ xếp loại yếu. Tổng dư nợ cho vay thông qua các tổ TK&VV đến ngày 28.11.2023 hơn 644 tỷ đồng với 11.245 hộ được vay vốn, chiếm tỷ lệ 99,68% tổng dư nợ tại ngân hàng.
Tương tự, Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh cũng phát huy tốt vai trò của các tổ TK&VV, chất lượng tín dụng ngày càng cao. Hiện địa phương này có 124 tổ TK&VV xếp loại khá, tốt, không có tổ xếp loại trung bình; tổng dư nợ các chương trình TDCS đến ngày 18.11.2023 trên địa bàn huyện đạt 388,5 tỷ đồng, tăng 47,2 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Nguồn vốn TDCS đã đến tay 5.320 đối tượng được thụ hưởng. Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, cho biết: Các tổ trưởng TK&VV đều nắm vững quy trình thủ tục TDCS, tích cực hỗ trợ nhiều hộ dân vay vốn và phát huy hiệu quả vốn vay.
Theo ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện tỷ lệ tổ TK&VV trên phạm vi toàn tỉnh xếp loại khá, tốt đạt trên 98%, không có tổ xếp loại yếu kém. Các tổ TK&VV đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc chuyển tải dòng vốn TDCS đến với người dân. Từ năm 2014 đến nay đã có 356 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay hơn 13.436 tỷ đồng từ các chương trình TDCS. Nguồn vốn đã trợ lực cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại các địa phương, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
PHẠM TIẾN SỸ