Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc ký thêm 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế
Chiều 30.11, Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 diễn ra tại TP Móng Cái, Quảng Ninh. Đây là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới, với sản phẩm chất lượng, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng miền. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ra thị trường thế giới đạt trên 53,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 diễn ra tại TP Móng Cái, Quảng Ninh chiều 30.11.
Sản phẩm nông lâm, thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang khoảng 190 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nông lâm thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là hoa quả và thủy sản. Dù vậy, hàng nông thủy sản Việt Nam hiện vẫn chưa xâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, chưa kết nối với các Tập đoàn lớn, các kênh phân phối hiện đại, mạng lưới bán hàng điện tử, trực tuyến, siêu thị lớn của Trung Quốc.
Anh Lê Hồng Thái, đại diện một đơn vị kinh doanh trầm hương và nấm linh chi ở tỉnh Quảng Nam cho biết: "Qua trao đổi với các đối tác Trung Quốc họ nói các sản phẩm của Quảng Nam chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Vì họ có mức tiêu thụ rất lớn nếu sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu và chất lượng đặt ra thì riêng tỉnh Quảng Nam sản xuất không đủ. Tôi sẽ về trao đổi lại với các chủ thể khác là cần thay đổi để xuất khẩu".
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái
Để có thể tận dụng các lợi thế về năng lực sản xuất, cung ứng hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu thủy sản rất lớn của Trung Quốc, các doanh nghiệp của Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng cửa khẩu, logistics qua biên giới và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
"Cả hai bên cần tích cực thực hiện quản lý tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy sự liên kết các tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì, ghi nhãn, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đồng thời cùng thúc đẩy việc đưa thêm nhiều sản phẩm nông, lâm và thủy sản như hải sản ướp lạnh, sứa, dược phẩm và thực phẩm, dược liệu đông y... vào danh mục giao dịch" - ông Phó Chính Hoa, Phó Thư ký trưởng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thành ủy thành phố Phòng Thành Cảng, Trung Quốc nói.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế về thúc đẩy XNK nông lâm, thủy sản, thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao
“Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc tại thành phố Móng Cái” năm 2023 nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Qua diễn đàn, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp ngành hàng cuả hai nước có cơ hội được cung cấp, trao đổi thông tin, nhận diện được các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ và đề xuất các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản của 2 quốc gia.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc kết nối trực tiếp với nhau để giảm các khâu trung gian, để có giá thành hợp lý nhất cho người tiêu dùng của hai nước và tạo mối giao thương giữa doanh nghiệp của hai nước. Đây là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra".
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 21 hợp đồng kinh tế và thỏa thuận về thúc đẩy XNK nông lâm, thủy sản, thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là tiền đề góp phần nâng cao kim ngạch NXK hàng hóa trong những năm tới qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).
Theo Vũ Miền (VOV)