Báo cáo Chính phủ việc 27 tỉnh thành đồng loạt xin giảm vốn vay
Trước việc 27 địa phương xin giảm hơn 5.560 tỷ đồng vốn vay lại năm nay, Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ về nguyên nhân của tình trạng này.
Đến cuối tháng 8, cả nước có 33 địa phương đề nghị giảm dự toán vốn vay lại. Trong đó, có 27 địa phương đề nghị giảm số vốn hơn 5.560 tỷ đồng; có 6 địa phương đề nghị tăng vốn gần 350 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần đánh giá đúng khả năng giải ngân của các dự án để đề xuất giao kế hoạch vốn phù hợp đề hạn chế tình trạng xin điều chỉnh dự toán vay lại. Đặc biệt, dự án khó khăn, vướng mắc, địa phương phải xem xét kỹ trước khi xin cấp vốn, kiên quyết loại bỏ dự án không có khả năng giải ngân.
Đối với các dự án có năm kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng cần đánh giá khối lượng công việc còn lại, khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch để đề xuất số vốn giao kế hoạch vốn phù hợp do các dự án này chiếm tỷ lệ trả kế hoạch vốn khá cao.
Các địa phương cần nâng cao chất lượng của khâu chuẩn bị dự án để đảm bảo các dự án khi đã được cấp phép có thể triển khai đúng kế hoạch đề ra.
Có 27 địa phương đề nghị giảm số vốn hơn 5.560 tỷ đồng; có 6 địa phương đề nghị tăng vốn gần 350 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: ST).
Trước đó, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc bộ, ngành, địa phương trả lại vốn ODA chỉ là trả vốn kế hoạch, không phải trả tiền. Quy định của Luật Đầu tư công, dự án muốn được giải ngân phải có trong hạn mức kế hoạch được giao.
“Về bản chất, tất cả vốn ODA đều dành cho từng dự án cụ thể, giải ngân theo tiến độ thực tế, không thể sử dụng tiền vay dự án A cho dự án B. Việc trả lại hay điều chuyển kế hoạch vốn chỉ thực hiện trên thủ tục trong nước, không ảnh hưởng tới hiệp định vay, vốn vay cho từng dự án. Dự án chỉ bị ảnh hưởng nếu không kịp tiến độ dẫn tới hết hạn giải ngân, phải đàm phán gia hạn hiệp định vay hoặc hủy vốn”, lãnh đạo Cục Tài chính đối ngoại cho biết.
Theo Quỳnh Nga (TPO)