Chung tay chống rác thải nhựa: Bắt đầu từ thay đổi nhận thức
Nhận thức rằng chống rác thải nhựa không thể thành công trong một sớm một chiều, từ năm 2018, Hội LHPN các cấp trong tỉnh bắt đầu thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất để người dân dần thay đổi thói quen, nhận thức.
Từ năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn các cấp hội phụ nữ triển khai nhiều mô hình gần gũi, thiết thực để bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa (RTN). Ngoài hoạt động tuyên truyền, các cấp hội còn thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó lồng ghép với việc triển khai phong trào chống RTN. Hiện, Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp hội địa phương chú trọng thực hiện chỉ tiêu 18.7 thuộc tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Hội LHPN TP Quy Nhơn trao bữa cơm yêu thương không dùng đồ nhựa một lần cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Ảnh: Hội LHPN TP Quy Nhơn
Bà Hoàng Thị Thanh Nhã, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Xác định công tác bảo vệ môi trường, chống RTN là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay, hằng năm, chúng tôi đều có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể. Các hoạt động được lồng ghép với việc xây dựng nông thôn mới, chúng tôi được hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương”.
Cùng với đó, đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06/CTHĐ-BCH ngày 26.4.2022 của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh về thực hiện khâu đột phá “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, tích cực hưởng ứng phong trào chống RTN”. Riêng trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh tập trung cho chủ đề phân loại rác tại nguồn và vận động các hộ dân nộp phí thu gom rác thải đầy đủ.
Điểm nhấn của công tác chống RTN của Hội LHPN tỉnh là giúp lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Thời gian qua, các cơ sở hội tích cực nhân rộng, thành lập mới, ra mắt nhiều mô hình bảo vệ môi trường, như: Ở huyện Phù Mỹ có Đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường, tổ phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường dân cư; huyện Tuy Phước có mô hình hố rác hộ gia đình, phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường; huyện An Lão có chi hội “5 không, 3 sạch”, mô hình “3 có” (có giỏ rác, có hố rác, có giỏ xách) ...
Nhờ hoạt động thu gom rác thải, nhiều đường quê không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi. Điều này không chỉ giúp địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, mà còn tạo niềm hứng khởi trong nhân dân. Bà Trần Thị Bích Tâm, ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Ngày trước, con mương gần nhà tôi quanh năm bốc mùi hôi thối rất kinh khủng. Nhờ hoạt động thu gom rác thải mà gia đình tôi được sống trong không khí trong lành. Tôi cũng dần quen với việc phân loại rác thải tại nguồn, số RTN có thể tái chế tôi sẽ ủng hộ cho mô hình ngôi nhà xanh gần nhà”.
Tại TP Quy Nhơn, thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu RTN tại các xã, phường ven biển thuộc Vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”, Hội LHPN thành phố triển khai nhiều mô hình, như: “bãi biển du lịch sạch không RTN”, “nhà hàng thân thiện không sử dụng đồ nhựa một lần”, “kinh tế tuần hoàn”, “làm phân compost”, “phân loại rác thải tại nguồn”, “tổ phụ nữ mua bán ve chai, khu dân cư kiểu mẫu về thu gom, phân loại RTN”.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Quy Nhơn, Dự án đã giúp nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương về công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chất thải rắn sinh hoạt.
Tại TX An Nhơn, phong trào hạn chế RTN cũng được Hội LHPN các cấp cùng người dân đồng lòng thực hiện. Theo bà Lê Vũ Vân Kiều, Chủ tịch Hội LHPN TX An Nhơn, thực hiện khâu đột phá về phòng, chống RTN, Hội tổ chức hoạt động “Đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh”, đã đổi 6.800 chai nhựa; đồng thời nhân rộng mô hình “Phụ nữ đi chợ cùng giỏ xách, hạn chế sử dụng túi ny lông” ở 15/15 xã, phường với 879 thành viên.
Để hình thành thói quen mới đòi hỏi thời gian cùng rất nhiều công sức. “Thay đổi thói quen là điều không hề đơn giản. Để duy trì được những gì đã làm được, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phối hợp với các cấp, ngành trong việc bảo vệ môi trường, chống RTN vì môi trường sống cho cộng đồng và thế hệ sau này”, bà Hoàng Thị Thanh Nhã cho biết thêm.
THẢO KHUY