Đề án Ngoại ngữ 2020:
Hy vọng sẽ tạo được “cú hích”
Năm học 2013-2014, Bình Định chính thức triển khai dạy - học tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ 2020). Theo nhiều cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy, Đề án là một “cú hích”, góp phần thay đổi đáng kể hoạt động dạy - học môn tiếng Anh trong nhà trường.
Giờ tiếng Anh ở lớp 7A1 Trường THCS thị trấn Tuy Phước chiều 21.8 rất sôi nổi. Tiết học đầu tiên của năm học mới có chủ đề “My hobby” (tạm dịch: Sở thích của tôi). Giáo viên đưa ra 2 con búp bê và 2 vỏ chai nước ngọt. 34 học sinh chia thành 5 nhóm thảo luận, trao đổi với nhau về sở thích liên quan đến sở thích sưu tầm đồ vật, chẳng hạn như búp bê, vỏ chai…
“Làn gió mới”
Theo ông Trần Văn Cơ, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT), thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, ngay từ năm 2008, ngành Giáo dục đã tập trung triển khai công tác đào tạo cho đội ngũ giáo viên. Đến nay, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu của Bình Định là 49,25% (589/1.169 giáo viên đạt chuẩn). Trong đó, ở bậc Tiểu học có 123/282 giáo viên đạt chuẩn (43,62%); bậc THCS có 340/559 giáo viên (60,82%), bậc THPT 124/355 giáo viên (35,49%).
Trường THCS thị trấn Tuy Phước là 1 trong 3 trường được chọn triển khai toàn diện Đề án Ngoại ngữ 2020 trong năm học 2014-2015.
- Trong ảnh: Một tiết học tiếng Anh theo mô hình của Đề án Ngoại ngữ 2020 tại lớp 7A1, Trường THCS thị trấn Tuy Phước.
“Khi triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, trước tiên, chúng tôi đã chú trọng vào nguồn nhân lực. Nhờ đó, Sở GD&ĐT đã có đủ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực theo quy định để triển khai Đề án đồng thời ở 3 cấp học và có thể hoàn thành việc triển khai Đề án đúng tiến độ vào năm 2020”, ông Cơ cho hay.
Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Đề án được triển khai tại 33/247 trường Tiểu học, 62/149 trường THCS và 8/51 trường THPT trong tỉnh. Bình Định có số trường THPT triển khai dạy sách giáo khoa tiếng Anh chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ 2020 nhiều nhất trong cả nước. Tổng cộng có 5.878 học sinh học chương trình tiếng Anh theo Đề án.
Theo nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp, Đề án Ngoại ngữ 2020 mang lại một “làn gió mới”. Tại Trường THCS thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), cô giáo Hoàng Thị Thắm là 1 trong 2 giáo viên tiếng Anh đầu tiên tham gia Đề án. 13 năm đứng trên bục giảng, nhưng cô Thắm vẫn có cảm giác bỡ ngỡ khi áp dụng một phương pháp dạy mới. “Đề án yêu cầu giáo viên phải đầu tư bỏ nhiều thời gian, công sức để đầu tư cho từng tiết dạy. Nhưng bù lại, không khí lớp học sôi nổi khiến chúng tôi quên hết mệt nhọc, nhiều khi còn “cháy” giáo án”, cô Thắm tâm sự.
Không chỉ giáo viên mà học sinh cũng rất hào hứng với cách học mới này. “Trước mỗi buổi học có môn tiếng Anh, em đều dành nhiều thời gian chuẩn bị bài ở nhà. Qua một năm lớp 6 làm quen với cách học mới, tụi em càng thích thú mỗi khi được học tiếng Anh, đặc biệt là được thuyết trình trước lớp”, Hồ Hà Thanh Lâm, học sinh lớp 7A1, chia sẻ.
Khó bài toán nhân lực
Năm học này, Trường THCS thị trấn Tuy Phước là 1 trong 3 trường học trong tỉnh được chọn để triển khai đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ (cùng với Trường Tiểu học Bồng Sơn (Hoài Nhơn) và Trường THPT số 1 Tuy Phước). Đây cũng là năm học thứ 2 Trường THCS thị trấn Tuy Phước thực hiện dạy - học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ 2020 với 4 lớp ở 2 khối 6 và 7. Theo ông Hồ Trọng Trinh, Hiệu phó Trường THCS thị trấn Tuy Phước, Trường có 8 giáo viên tiếng Anh, nhưng chỉ có 4 người đủ điều kiện dạy học theo Đề án Ngoại ngữ 2020. “Chương trình yêu cầu kiến thức sâu, rộng, giáo án phải chi tiết, công phu. Giờ học chủ yếu diễn ra trong thế đối thoại, tương tác giữa giáo viên và học sinh. Vì thế, 3 giáo viên lớn tuổi khó đủ điều kiện đứng lớp học theo Đề án”, ông Trinh tâm tư.
Chất lượng giáo viên chưa cao là khó khăn ở nhiều địa phương khác khi triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020. Trường Phổ thông DTNT Vĩnh Thạnh có 3 giáo viên tiếng Anh. Để chuẩn bị triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, Trường đã cử 1 giáo viên đi bồi dưỡng năng lực tiếng Anh. Tuy nhiên, khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, giáo viên này lại… chuyển công tác. “Không chỉ khó khăn về giáo viên, khả năng tiếp cận ngoại ngữ của học sinh dân tộc thiểu số cũng hạn chế. Kết quả khảo sát sơ bộ 93 học sinh lớp 10 cho thấy các em rất khó đáp ứng các yêu cầu của việc dạy - học theo Đề án. Do đó, chúng tôi đã đề nghị và được Sở cho phép chưa triển khai dạy và học tiếng Anh theo Đề án trong năm học 2013-2014”, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Vĩnh Thạnh Từ Kim Lân cho biết.
Tại Tây Sơn, trong năm nay có 13 lớp với 586 học sinh THCS, 34 lớp với 873 học sinh tiểu học được học theo Đề án. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn Nguyễn Thế Hào, bộ phận chuyên môn tiếng Anh của Phòng sẽ tiếp tục tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, thao giảng để các giáo viên trong toàn huyện có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để cùng tiến bộ. “Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nỗ lực của từng giáo viên. Trong quá trình giảng dạy, từng người phải phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực tiếng Anh lẫn khả năng sư phạm để đáp ứng yêu cầu giảng dạy ngày càng cao”, ông Hào cho hay.
THU HIỀN