Thấy gì từ hiện tượng “boomerang CEO”?
Chỉ vài ngày sau khi bị sa thải, ngày 22.11, Sam Altman, cha đẻ công cụ Chat GPT đã trở lại vị trí giám đốc điều hành (CEO) tại OpenAI. Sau khi Sam Altman ra đi, hàng trăm nhân viên công ty này dọa bỏ việc nếu Altman không trở lại. Ngay cả các nhà đầu tư cũng vận động để ông trở lại công ty. Đây là “boomerang CEO” (chỉ việc các cựu CEO quay trở lại điều hành công ty cũ) mới nhất trong nhiều trường hợp tương tự từng xảy ra trước đây.
Sam Altman phát biểu tại sự kiện OpenAI DevDay ở San Francisco ngày 6.11. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images
Trước đó, có thể kể đến Jack Dorsey, người bị ban lãnh đạo Twitter sa thải năm 2008 trước khi trở lại vào năm 2015, hay Michael Dell, người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành của Dell Inc, từng bị mất chức năm 2004 và được đề nghị trở lại 3 năm sau đó. Thông thường, các công ty cũng hay tìm lại “người cũ” vào thời điểm khủng hoảng hay chuyển giao, như trường hợp Bob Iger (Disney) và Howard Schultz (Starbucks).
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đối với 167 trường hợp “boomerang CEO” trong giai đoạn 25 năm, phần lớn lãnh đạo quay lại đều có thành tích tệ hơn so với những gì họ đã đạt được trước đó.
Steve Jobs có lẽ là trường hợp “boomerang CEO” nổi tiếng và thành công nhất. Đồng sáng lập Apple vào năm 1976, nhưng ông từng bị sa thải 9 năm sau đó và trở lại vị trí CEO vào năm 1997 để đưa Apple phát triển mạnh mẽ như hiện nay, với các sản phẩm nổi bật như iPod và iPhone.
Đối với trường hợp Sam Altman, ông trở lại OpenAi chỉ sau vài ngày, nên điều này có thể có tác dụng giúp công ty ổn định lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự hỗn loạn nội bộ trong những ngày qua nhiều khả năng sẽ gây ra ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của công ty.
HỒNG QUẢNG (Theo npr)