Tích cực sáng tạo, chú trọng hiệu quả
Tại chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên Bình Ðịnh” lần thứ III, năm 2023 do Tỉnh đoàn tổ chức ngày 25.11, nhiều dự án được đánh giá tốt bởi tính ứng dụng cao.
Nhiều dự án tiềm năng
Đa phần các dự án được vào vòng chung kết đều hướng đến việc giải quyết các nhu cầu phát sinh từ thực tế đời sống. Mang đến dự án “Xây dựng hệ thống IoT thông minh vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại”, anh Trần Xuân Tùng, ở xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) giới thiệu hệ thống gồm các thiết bị tính toán, máy móc cơ khí và kỹ thuật số được lập trình với hai mục đích: Chăn nuôi và trồng trọt.
Hệ thống này có thể cho gia súc ăn, tắm, theo dõi và kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm chuồng, trại, vật nuôi. Với cây trồng, chúng có thể bón phân, tưới nước, phun thuốc tự động, theo dõi và kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm khu vực cây trồng. Toàn bộ các khâu đều được thực hiện chỉ bằng một vài thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh.
Ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, dự án “Sản xuất tượng mô hình, khuôn mẫu” của anh Chế Hoài Kết và Nguyễn Tuấn Khánh, ở phường Hoài Tân (TX Hoài Nhơn) thu hút nhiều sự chú ý bởi tính mới mẻ và hiệu quả kinh tế mang lại.
Nhờ kinh nghiệm chế tác mô hình anime, mô hình trang trí sự kiện tại Nhật Bản, anh Kết đã mạnh dạn áp dụng công nghệ in 3D để biến các file thiết kế đồ họa trên máy tính thành các mô hình sống động bằng nhựa composite với thời gian chế tác nhanh hơn so với các sản phẩm từ đất sét, thạch cao, đá, gỗ...
Nhờ đó, sau một năm hoạt động, cơ sở của anh Kết và anh Khánh mỗi tháng sản xuất khoảng từ 300 - 500 sản phẩm các loại, doanh thu 50 triệu đồng/tháng, thị trường cũng được mở rộng đến các tỉnh lân cận.
Anh Kết (ngồi) giới thiệu thiết bị in 3D để làm ra những mẫu tượng sinh động tại xưởng. Ảnh: Tỉnh đoàn
Cuộc thi còn thu hút các học sinh phổ thông. Sớm học viết code, lập trình, em Trương Văn Đài, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Trần Hồng Đạo (huyện Phù Cát) lắp ráp thành công mô hình “Robot thông minh ứng dụng trong ngành du lịch” để dự thi.
Đài hào hứng giới thiệu: “Ý tưởng của em là tạo ra một mô hình xe không người lái, có khả năng tự vận chuyển để đưa khách tham quan những điểm du lịch nhất định, đồng thời có trợ lý ảo có khả năng giao tiếp với khách cũng như nhận diện điểm du lịch để giới thiệu đặc điểm riêng của nó. Em sẽ cố gắng hoàn thiện mô hình tốt nhất có thể”.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ
Để biến tiềm năng của từng dự án khởi nghiệp thành hiệu quả trong thực tế, cần sự phối hợp tích cực giữa các bên liên quan.
Chia sẻ hiệu quả thực tế của dự án ứng dụng hệ thống IoT vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, anh Tùng cho biết, anh đã lắp đặt, thí điểm với mô hình trồng măng tây tại địa phương và thu về kết quả khả quan.
“Là nông dân nên khi lên ý tưởng tôi đã đơn giản hóa bộ công cụ và phân nhiều mức giá, phù hợp với điều kiện nhiều hộ dân. Qua thử nghiệm, người dân tại xã hào hứng với phần mềm vì giúp tiết kiệm công sức mà vẫn đảm bảo chất lượng. Dù vậy, để phổ biến rộng rãi ứng dụng này, cần có sự giới thiệu của các cấp Đoàn, Hội tại các hội nhóm, chương trình khởi nghiệp”, anh Tùng nói.
Bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để mở rộng xưởng, đầu tư thêm máy in 3D, cải tiến quy trình sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, anh Kết cho biết: “Vốn luôn là bài toán khó đối với thanh niên khởi nghiệp. Do vậy, nếu được hỗ trợ, đây sẽ là chỗ dựa vững chắc, giúp người trẻ chúng tôi yên tâm phát triển kinh tế”.
Về phía đơn vị tổ chức, việc tạo thuận lợi cho tác giả dự án tiếp tục hoàn thiện, phát triển “đứa con tinh thần” là điều hết sức quan trọng. Anh Phạm Hồng Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết cuộc thi có ý nghĩa tìm kiếm, hỗ trợ các cá nhân, tập thể có dự án, ý tưởng khởi nghiệp thiết thực, có khả năng nhân rộng và phát triển hiệu quả trong tương lai. Do đó, ngoài trao vốn, Tỉnh đoàn sẽ tích cực quảng bá dự án khả thi tại các chương trình, nhất là tại chuyên trang kết nối, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Bình Định ra mắt cuối tháng 11 vừa qua.
“Không chỉ tại cuộc thi mà những năm qua, Tỉnh đoàn đã có nhiều hoạt động liên quan như: Tập huấn khởi sự kinh doanh; tổ chức tham quan, giao lưu các mô hình kinh tế tiêu biểu; hỗ trợ tiếp cận kỹ thuật và các nguồn vốn vay… Ngoài ra, nguồn quỹ “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp Bình Định” từ năm 2015 đến nay đã trở thành “bà đỡ” cho 23 dự án phát triển”, anh Hiệp thông tin thêm.
DƯƠNG LINH