Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong học sinh
Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi học sinh phổ thông, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng.
Một điểm mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thời gian gần đây là chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông với nội dung lôi cuốn trong môi trường học đường; với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và học tập của các em như: Hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tác hại của rượu bia; ATGT. Hình thức tổ chức không chỉ nói - nghe đơn thuần, mà còn kết hợp tổ chức thi rung chuông vàng, trò chơi giải ô chữ.
Em Tô Thị Thùy Linh, học sinh (HS) Trường THPT Hòa Bình (TX An Nhơn) cho hay, những buổi tuyên truyền gắn kết với trò chơi rất hấp dẫn, lôi cuốn; giúp các em tiếp thu kiến thức pháp luật hiệu quả hơn. Xen kẽ giữa các chuyên đề PBGDPL, các em còn thể hiện năng khiếu bản thân với các tiết mục múa, hát sinh động, tạo không khí hào hứng, sôi động xuyên suốt buổi tuyên truyền.
Theo bà Hồ Mỹ Ngọc Chân, Trưởng Phòng PBGDPL - Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), thông qua các buổi tuyên truyền như thế, các em tiếp thu kiến thức pháp luật khá nhanh nhạy. “Được tuyên truyền viên khơi gợi, kích thích, các em hào hứng tham gia thảo luận, trao đổi, chủ động tiếp nhận các kiến thức pháp luật. Việc tạo ra sân chơi như rung chuông vàng, giải ô chữ là cách “học mà chơi - chơi mà học” hiệu quả”, bà Chân nói.
Có thể thấy, việc trang bị các kiến thức pháp luật ngay ở môi trường học đường sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành vi, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong học sinh. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ học sinh vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội do thiếu hiểu biết.
Học sinh Trường THPT số 3 An Nhơn (TX An Nhơn) trao đổi với tuyên truyền viên xung quanh nội dung chuyên đề về ATGT. Ảnh: X.Q
Em Đinh Y Viên, HS Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định (TP Quy Nhơn) kể: “Vì phải đi học xa nhà, bố mẹ cho phép sử dụng xe máy, tuy nhiên em chọn xe buýt để đi lại. Thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật, em hy vọng các bạn khác sẽ chọn các phương tiện phù hợp, không sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi”.
Còn gia đình em Trần Tuấn Đạt, HS Trường THPT số 2 Tuy Phước (huyện Tuy Phước) có người từng bị thương tích nặng vì TNGT, nên bản thân em hiểu rõ sự cần thiết của việc chấp hành tốt pháp luật khi tham gia giao thông. “Đôi khi những TNGT có hậu quả nặng nề bắt nguồn từ những hành động nhỏ như không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hay điều khiển xe máy không đúng cách. Vì vậy mỗi người hãy chấp hành tốt pháp luật khi tham gia giao thông, đừng vi phạm dù là hành vi nhỏ nhất”, Đạt chia sẻ.
Không chỉ nâng cao nhận thức, thông qua các buổi tuyên truyền, các em còn đề xuất những cách làm hay để góp phần giảm thiểu tỷ lệ học sinh vi phạm pháp luật. Em Dương Thị Ngọc Linh, học sinh Trường THPT số 3 An Nhơn (TX An Nhơn) cho rằng, để hạn chế học sinh vi phạm pháp luật, nhà trường nên tăng cường quản lý học sinh bằng Zalo, khuyến khích các bạn “inbox” các trường hợp vi phạm, cung cấp hình ảnh làm bằng chứng để nhà trường phối hợp với gia đình giáo dục con em. Với hình thức kín đáo này, sẽ có nhiều bạn dám đứng ra phản ánh các trường hợp vi phạm, tránh được các trường hợp bạo lực học đường do thù hằn nhau.
XUÂN QUỲNH