Quyền xác minh điều kiện thi hành án dân sự:
“Được vạ, má sưng”
Quy định người được thi hành án phải tự xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án đang gây ra không ít tốn kém và rất nhiều phiền hà cho người được THA…
Theo quy định tại Điều 44 của Luật Thi hành án dân sự (THADS) và các văn bản hướng dẫn thi hành, người được thi hành án (THA) có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA. Khi yêu cầu THA, kèm theo đơn, người được THA phải có kết quả xác minh điều kiện THA của người phải THA; nếu yêu cầu cơ quan THADS xác minh điều kiện THA của người phải THA thì phải kèm theo các giấy tờ để chứng minh việc xác minh của họ không có kết quả.
Từ nhiều năm qua, quy định này gây ra không ít tốn kém và rất nhiều phiền hà cho người được THA. Bởi lẽ, khi tự xác minh điều kiện THA của người phải THA, người được THA rất khó tiếp cận thông tin, nếu như không nói là không thể. Chỉ cần nghĩ đến việc xác minh thông tin tại các cơ quan nhà nước đã vô cùng khó khăn. Nhưng xác minh thông tin tài khoản tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì phải nói là thiên nan vạn nan bởi đây là thông tin bí mật. Nhiều trường hợp, các tổ chức này từ chối không cung cấp thông tin, hoặc nếu cung cấp thì cũng phải hẹn nhiều lần khiến cho người được THA thấy mỏi mệt, chán chê.
Vì vậy, nhiều trường hợp người được THA đã đến cơ quan THADS yêu cầu xác minh điều kiện THA. Nhưng theo quy định của pháp luật, cơ quan THADS không có thẩm quyền xác minh, nếu người được THA không chứng minh được họ đã xác minh tại các cơ quan, tổ chức nhưng không có kết quả. Việc chứng minh cho được rằng “đã đi xác minh nhưng không có kết quả” cũng rất là “trần ai khoai củ”.
Hiện nay, khi Văn phòng Thừa phát lại Bình Định đã đi vào hoạt động (từ tháng 3.2014, có chức năng xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án, lập vi bằng…) thì cơ quan THADS đã hướng dẫn người dân đến đây để hợp đồng xác minh điều kiện THA. Tuy nhiên, việc này cũng không đơn giản…
Đơn cử trường hợp của bà Đặng Thị Thu Hồng (51 tuổi, ở thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Từ mấy tháng nay bà Hồng đã chạy nhiều nơi để yêu cầu được THA song chưa có kết quả. Ngày 7.9.2012, chồng bà Hồng là ông Nguyễn Xuân Thọ trên đường đi làm về thì bị Châu Văn Phương đi xe máy không đúng phần đường tông vào. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, gia đình của Phương tự nguyện bồi thường cho gia đình bà Hồng 23 triệu đồng lo thuốc thang đồng thời làm cơ sở để giảm án. Chi phí chữa bệnh cho ông Thọ lên đến hàng trăm triệu đồng đã làm nhà bà Hồng vốn dĩ hộ nghèo, nay lại càng khánh kiệt. Tháng 5.2014, TAND huyện Tuy Phước ngoài xử lý trách nhiệm hình sự, đã tuyên buộc Phương bồi thường thêm cho gia đình bà Hồng 50 triệu đồng. Bà Hồng kể trong nước mắt: “Từ khi án có hiệu lực, tôi đã lên nhà họ nói chuyện, yêu cầu họ đưa tiền bồi thường nhưng cha mẹ của chú ấy bảo nó trưởng thành rồi, tự làm tự chịu, muốn làm tình làm tội nó thế nào thì làm, chứ gia đình không lo khoản tiền này. Hiện nay, tay trái chồng tôi bị liệt, đi lại khó khăn, không làm được việc gì, trong khi trước đây ông là lao động chính nuôi mẹ già và 3 con đi học …”.
Mới đây, bà Hồng đã đến Văn phòng Thừa phát lại Bình Định nhờ THA. Tuy nhiên Văn phòng này chỉ nhận việc xác minh điều kiện THA cho bà Hồng, tính phí 1 triệu đồng, song từ chối nhận thực hiện THA vì không đủ điều kiện thực hiện. Bà Hồng than thở: “Họ hướng dẫn tôi lên Chi cục THADS huyện Tây Sơn đề nghị THA, nhưng nói thiệt không biết đến khi nào tui mới nhận được tiền, trong khi tiền nợ nần, thuốc thang cho chồng, học hành cho con đang vây đuổi tứ bề…”.
Tại hội thảo đánh giá thí điểm triển khai thừa phát lại tại Bình Định do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tổ chức mới đây, cũng có ý kiến phản ánh một số trường hợp đến Văn phòng Thừa phát lại Bình Định hợp đồng xác minh điều kiện THA, nhưng khi thấy chi phí thực hiện lại khá cao so với số tiền yêu cầu được THA nên đã thôi không hợp đồng nữa. Được biết, chi phí xác minh điều kiện THA do Văn phòng Thừa phát lại Bình Định thực hiện dao động 1-3 triệu đồng/vụ tùy theo tính chất, mức độ của từng vụ việc.
Vì vậy, hiện nay, người được THA vẫn loay hoay giữa việc tự đi xác minh điều kiện THA của người phải THA hay hợp đồng với thừa phát lại để xác minh. Nhưng dù chọn phương án nào thì cũng phát sinh khó khăn, tốn kém vẫn đổ hết cho người được THA trong khi về mặt luật pháp họ là người bị hại và được luật pháp bảo vệ.
CÔNG HOÀNG - THU HÀ