Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp, hỗ trợ các dự án đầu tư
Một trong những vấn đề được quan tâm từ nay đến cuối năm 2023 và làm cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2024 là tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư, gỡ khó cho doanh nghiệp… tạo động lực phát triển.
Đó là một trong những vấn đề quan trọng được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra ngày 1.12.
Dự hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Thanh, Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2023, tỉnh cơ bản đạt các chỉ tiêu HĐND tỉnh giao; trong đó, chỉ tiêu rất quan trọng là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,6% (HĐND tỉnh giao 7 - 7,5%). Bình Định xếp thứ 17/63 tỉnh, thành về tốc độ tăng GRDP; xếp 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xếp 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Về quy mô kinh tế, Bình Định xếp 24/63 tỉnh, thành; xếp 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xếp 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: M.H
Tăng trưởng GRDP, song vẫn khó trong công nghiệp
Phân tích cụ thể tình hình trên từng lĩnh vực, trong khi nông nghiệp là điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023, du lịch tiếp tục có sự tăng trưởng thì lĩnh vực công nghiệp - với tín hiệu dần phục hồi từ quý III trở đi mới có được tăng trưởng của toàn tỉnh cả năm ước thực hiện chỉ đạt 3,5% (chỉ tiêu HĐND tỉnh giao 7,5 - 7,7%).
Trong 11 huyện, thị xã, thành phố được UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2023, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi cho hay Hoài Ân là địa phương có tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm tốt nhất (11,6%); thấp nhất là Vân Canh (chỉ 3,7%). Toàn tỉnh có 3 địa phương chưa đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao về tốc độ tăng giá trị sản phẩm là TP Quy Nhơn tăng 7,5% (tỉnh giao 8,5 - 8,9%); huyện Vân Canh tăng 3,7% (tỉnh giao 10,9 - 11,2%); huyện Vĩnh Thạnh tăng 5,2% (tỉnh giao 7,7 - 7,9%).
Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, năm 2023 thành phố mới đạt 9/14 chỉ tiêu tỉnh giao, trong đó đáng chú ý tổng giá trị sản phẩm ước đạt 59.159 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ (tỉnh giao tăng trên 8,5%). Đặc biệt, khối sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất thấp, công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 6% (chỉ tiêu giao trên 8,7%). “Giá trị sản xuất của Quy Nhơn chiếm khoảng 38% giá trị sản phẩm của toàn tỉnh, tác động rất lớn đến giá trị chung của tỉnh. “Thành phố ý thức được điều này nên rất hỗ trợ DN, đặc biệt DN khối công nghiệp và xây dựng cơ bản trong các hoạt động để triển khai đầu tư xây dựng cơ bản, bổ sung cho tăng trưởng chung của công nghiệp - xây dựng”, ông Nam cho hay.
Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TX An Nhơn cũng cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất trong tốc độ tăng trưởng là chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 mới đạt 5,7% (tỉnh giao chỉ tiêu 8 - 9%). Địa phương kỳ vọng đến cuối năm nay có thêm 22 cơ sở sản xuất, nhà máy ở các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp. Hiện có 16 dự án sản xuất công nghiệp đăng ký đầu tư với hơn 1.000 tỷ đồng đang triển khai xây dựng nhà xưởng, trong năm 2024 sẽ có cơ sở đi vào hoạt động.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp đạt từ 7 - 7,7% trở lên, vấn đề quan trọng nhất là tạo điều kiện để các dự án đầu tư triển khai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh điểm mới năm 2024 là tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Do đó, các địa phương phải quan tâm xây dựng kế hoạch chi tiết trong giải phóng mặt bằng, tạo cơ chế hết sức thông thoáng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương để thực hiện tốt giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư.
Phải tạo đột phá trên các lĩnh vực
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định từ nay đến cuối năm 2023, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, trong đó cần lưu ý tới việc giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước. Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và tổ chức công bố quy hoạch cho người dân, DN, nhà đầu tư. Khi thực hiện công bố quy hoạch này, tỉnh cũng sẽ kết hợp công bố quy hoạch phát triển sân bay Phù Cát, công bố toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, giá thuê đất cho các nhà đầu tư thứ cấp tại các khu, cụm công nghiệp…
Về mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Định hướng năm 2024, tỉnh đã xác định rõ tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%. Chúng ta phải xây dựng các chỉ tiêu rất chi tiết, cụ thể đến từng ngành, địa phương và phải làm đến cấp xã. Trong tháng 12, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ làm việc với các sở, ngành, địa phương thống nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và dự án trọng điểm của năm 2024.
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn lưu ý các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ, sớm đưa vào hoạt động các dự án đã thu hút đầu tư trong năm 2023; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi, phấn đấu thu hút khoảng 100 dự án đầu tư trong năm 2024. UBND tỉnh sẽ giao chỉ tiêu thu hút đầu tư cụ thể cho từng chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và cấp huyện.
Năm 2024, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi, thu hút khoảng 100 dự án đầu tư, hoạt động để phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp đạt từ 7 - 7,7% trở lên.
- Trong ảnh: Hoạt động sản xuất chế biến đá tại một DN ở Khu công nghiệp Phú Tài. Ảnh: TIẾN SỸ
Ngành nông nghiệp tập trung triển khai các dự án chế biến nông lâm thủy sản đã thu hút trong năm 2023 và thu hút thêm một số dự án mới đối với lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt chống khai thác IUU.
Phát triển du lịch lưu ý tập trung thu hút du khách quốc tế đến với tỉnh dựa trên các sự kiện thể thao quốc tế, triển lãm đã có kế hoạch tổ chức trong năm 2024; đồng thời mở các chuyến bay trực tiếp từ nước ngoài về Bình Định và ngược lại.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác nữa là tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề về môi trường, chống lấn chiếm đất đai, đảm bảo trật tự ATGT; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo chuyển biến đáng kể trong chuyển đổi số.
“Công tác cải cách hành chính và đạo đức công vụ, thực thi công vụ có chuyển biến nhưng chưa đột phá, nhất là ở cấp cơ sở. Cách giải quyết công việc còn chưa linh hoạt, cứng nhắc, chưa thống nhất và đâu đó còn chưa đến với người dân, DN. Do đó, thời gian tới chúng ta phải tập trung tạo được sự đột phá về cải cách hành chính, đạo đức công vụ; thực hiện tổng rà soát, xây dựng và sắp xếp lại vị trí việc làm từ xã đến tỉnh; trên cơ sở đó đào tạo, bố trí phù hợp. Tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tự kiểm tra đạo đức công vụ, tự thực thi đạo đức công vụ từ cấp xã trở lên; từ quý II/2024 trở đi thành lập các tổ kiểm tra công vụ…”.
Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN
MAI HOÀNG