Gói cả chân tình
Tạp bút của LÂM KHOA
Khách ở xa có dịp về huyện Tây Sơn, nhứt hạng là về Xóm Đậu, Phú Phong quê tôi ăn giỗ một lần, mười người hết chín đều ngần ngại lúc chuẩn bị ra về được chủ nhà dúi cho túi quà với ít bánh trái - đặc biệt thường bao giờ cũng có mấy cuốn bánh. Chủ nhà ân cần, cầm về cho mấy đứa nhỏ ở nhà nó mừng, thấy cuốn bánh là biết ở Tây Sơn về...
Thì rồi cũng mười khách hết chín người ngại ngần khi tia qua thấy túi quà khí bự, bèn, lựa lời từ chối khéo:
- Dạ hông bác ơi, nhà con hết sạch trẻ con, lớn tướng hết rồi.
- Mầy ở gần đây hay sao, chắc không lạ gì bánh cuốn hả? Dẫy là nói bậy nghe, ở gần thì càng nên cầm về coi thử bánh cuốn Xóm Đậu bên tao có khá hơn không chớ; khá hơn thì hôm nào tao sang bên đó học hỏi! … Ủa, vậy là ở xa hả? Thây kệ bây, xa hay gần cũng kệ bây, cứ cầm về cho ở nhà biết bây đi ăn giỗ thiệt; không có trẻ con thì để mấy đứa lớn tướng nó uống bia… Mà không bây đi đường xa, cứ cầm đi rủi lỡ độ đường, thèm ăn thì cũng có ngay cái ăn, cũng đỡ lắm á.
Vậy là hổng để khách kịp lắc đầu, chủ nhà ba phần đon đả, bảy phần cưỡng chế chỉ đến khi móc được túi quà lên xe cho khách, màn tạm biệt mới hết bịn rịn. Khách chỉ còn nước cười trừ cảm ơn, vừa ngạc nhiên lại vừa thích thú, trời đất, người xứ này sao mà dễ thương, sao mà hiếu khách quá chừng quá đỗi.
Nói thiệt nghen, xưa nay không mấy ai đủ khả năng từ chối túi quà ăn giỗ ở Xóm Đậu đâu! Ai… giao chiến một lần rồi là khoái cái không khí ăn giỗ Xóm Đậu, cái màn quà mang về chỉ là một nét thôi đó.
Tranh của họa sĩ TRẦN NGUYÊN
Nhưng có một sự đặc biệt là ai lỡ quen sẽ thấy một trong những cái sướng nhất ở đời là được ai đó đi ăn giỗ rồi mang về cho mình cuốn bánh chính hiệu Tây Sơn. Chẹp! Ngó coi kìa. Cái cuốn bánh to như cổ tay người lớn, quấn trong miếng lá chuối xanh, bỏ vào bịch ny lông treo lủng lẳng trên ghi đông xe, mới nhìn thôi đã thấy no luôn ba bữa. Mấy nhà có giỗ kỹ tính còn buộc vào đó mấy lon bia dự phòng khách của mình cao hứng khoái uống bia bất tử.
Bộ bánh cuốn toàn cao lương mỹ vị trong đó hay sao mê dữ vậy? Xin thưa, bánh cuốn đám giỗ Xóm Đậu đi trước thời đại nên rau nhiều thịt ít. Rau sống rồi kèm vào đó cả mớ rau xào - đỗ tây xào, dưa leo xào, khổ qua xào, bún tàu xào… Đệm thêm mấy miếng đậu chiên, thong thả thì thêm mấy miếng chả lụa, thịt ba chỉ xắt sợi gì gì đấy nữa là rồi. Xưa những thứ dọn bàn khách ăn không hết còn dư lại, lấy số lượng làm chính, nhưng nay ngay từ đầu đã tính riêng ra để làm cuốn, khách xong đám giỗ là đi về để làm công chuyện, không rề rà như hồi xưa. Nhưng vẫn có cái y khuôn xưa là cái tình, đó đó… chính là cái đoạn buộc khách phải ôm túi quà với cái tiếng “quà ăn giỗ cho mấy đứa nhỏ ở nhà”.
Không phải ai cũng rành “phép ăn bánh cuốn Tây Sơn” đâu nghen. Ăn cho nó no cái bụng thì dễ ợt, nhưng ăn cho sung sướng nó khác nghen. Ôm cuốn bánh ra mé ao gì đấy, gió mát hiu hiu, kiếm chỗ nào có cây ớt bay, lựa cái gốc mít, gốc vú sữa đã bị cưa thành cái đôn, ngồi trịn lên đấy, chân thì nhịp mà miệng thì cắn. Cắn miếng bên trái, lại cắn miếng bên phải, cắn tiếp miếng giữa nữa cho bằng đầu, theo đúng kiểu tả - hữu - tề. Vài ba miếng lại thò tay rứt trái ớt cắn xen vào. Ngon cỡ nào…
Ai ăn cay hổng quen thì gác nửa cuốn lại để hít hà, để lau mồ hôi trán cái đã. Dạo dạo ngó vô lùm tre thăm chừng cái mụt măng còn đó hay bị đứa nào bẻ trộm mất tiêu, quần lại cây ổi bấm thử kiếm cái nào chín thì lặt để dành chiều thả bò nhẻm tụi con nít. Cũng vừa lúc cơn cay đã dịu lại, ta thong dong quay lại chỗ cũ, thò tay lấy nửa cuốn bánh ăn lỡ cỡ khi nãy giấu trên chạc ba cây xoài ra mà tiếp nốt công việc dở dang.
Chật hẹp như nhà phố cũng có thể ngồi ở đầu hè, tầm này nghe gió lùa lành lạnh, se se, một hai miếng bánh làm tợp rượu… Cứ thế cứ thế… làm xong cuốn bánh là giản dị thấy ấm áp cái thân.
Người chưa quen, chưa biết bánh cuốn Tây Sơn cứ ngỡ người xứ này gói trong đó cao lương mỹ vị, nhưng thật ra đâu có như dẫy đâu, nó ngon, nó được nhiều người nhắc nhớ vì bên trong cuốn bánh gói cả chân tình không chỉ cho người đi ăn giỗ mà còn nhớ nghĩ đến người ở nhà.
Ơi Xóm Đậu… ơi Phú Phong… Ơi Tây Sơn quê tôi…