Mất việc vì dùng bằng giả
Đường dây môi giới, làm và sử dụng bằng giả ở Tuy Phước vừa bị phát hiện và các đối tượng liên quan đã bị khởi tố. 3 trong số 23 người sử dụng bằng giả hiện đã bị tạm đình chỉ công tác…
Không học nhưng vẫn có bằng
Từ năm 2002, chị T.T.K.H. (ở Phước Thành, Tuy Phước) được nhận vào làm cán bộ y tế học đường tại một trường tiểu học ở Tuy Phước. Đến năm 2007, Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước chính thức ký hợp đồng tuyển dụng chị H. Trong thời gian từ năm 2006-2008, chị H. lần lượt theo học và hoàn thành 2 chương trình sơ cấp và trung cấp chuyên ngành dược tại Trường Trung học y tế Bình Định, nay là Trường CĐ Y tế Bình Định.
Đến năm 2010, khi ngành giáo dục đề ra tiêu chí xét tuyển và tuyển dụng cán bộ y tế học đường phải có bằng trung cấp điều dưỡng. Để hợp thức hóa hồ sơ, chị H. đã nhờ một người quen làm bằng trung cấp điều dưỡng với giá là 15 triệu đồng. Chị H. thừa nhận: “Tôi biết đây là bằng giả vì bản thân không đi học ngày nào, hơn nữa thời hạn khóa học ghi trên bằng là năm 2008 -2010, trong khi đó năm 2010 tôi mới có nhu cầu làm bằng”.
Khác với chị H., chỉ đến khi sự việc đổ bể, chị M.T.T. (ở Phước Quang, Tuy Phước) mới biết bằng mình đang sử dụng là bằng giả. Năm 2008, qua người quen giới thiệu, chị T. làm hồ sơ để xin học lớp trung cấp điều dưỡng, hệ vừa học vừa làm. Sau khi hoàn tất hồ sơ và đóng 12 triệu đồng, chị T. không thấy thông báo học, nhưng chỉ 10 ngày sau thì được gọi đến và được nhận bằng Trung cấp điều dưỡng do Trường ĐH Y - Dược TP Hồ Chí Minh cấp. Chị T. thắc mắc chưa học ngày nào sao lại có bằng, thì được người nhận hồ sơ trả lời rằng: “Đây là bằng hệ vừa học vừa làm, nên không cần phải đến lớp, hơn nữa chị cũng đã có kiến thức về lĩnh vực này rồi, chẳng qua là bằng cấp thôi”. Trong khi đang cần bằng để nộp, lại nghe giải thích như vậy nên chị cũng không thắc mắc nữa. Chị T. mang bằng đi nộp, cho đến khi sự việc bị phát giác (giữa tháng 7.2014) và chị nhận quyết định tạm đình chỉ công tác từ ngày 1.8.2014.
Đây là 2 trong số 23 trường hợp sử dụng bằng giả để hợp thức hóa việc xét biên chế làm nhân viên y tế học đường và y tế xã của huyện Tuy Phước vừa bị cơ quan chức năng phát hiện. Hiện có 3 trường hợp nhân viên y tế xã đã bị tạm đình chỉ công tác.
Cần quản lý chặt chẽ
Tại Điều 267 Bộ luật Hình sự, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, đường dây môi giới, làm và sử dụng bằng giả bị phát giác là do một nhân viên y tế công tác ở huyện Tuy Phước có bằng thật nhưng lại không được xét biên chế, bức xúc vì những người khác không học lại trúng tuyển nên tố giác. Hiện 2 đối tượng Phạm Thị Xuân Mai (SN 1970, ở xã Phước Lộc, nguyên nhân viên y tế Trường Tiểu học số 2 Phước Hiệp, Tuy Phước) và Trình Thị Ngọc Hậu (SN 1976, ở xã Phước Hiệp, nguyên nhân viên y tế Trường THCS Phước Hiệp, Tuy Phước) đã bị truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo kết luận của cơ quan tố tụng, Mai đã trực tiếp liên lạc với đối tượng làm bằng giả tại TP Hồ Chí Minh để mua bằng. Từ năm 2006 đến 2010, Mai và Hậu đã mua 32 bằng giả, trong đó có 27 bằng trung cấp điều dưỡng làm giả của Trường ĐH Y-Dược TP Hồ Chí Minh, còn lại là bằng tốt nghiệp THPT làm giả của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh với tổng số tiền gần 330 triệu đồng. Trong đó, Mai trực tiếp nhận của người khác mua 17 bằng giả, hưởng chênh lệch gần 18 triệu đồng; Hậu nhận mua 15 bằng, hưởng chênh lệch gần 20 triệu đồng. Bản thân Mai và Hậu cũng đều đã mua và sử dụng bằng tốt nghiệp THPT và bằng Trung cấp điều dưỡng giả để đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ xét tuyển công chức.
Vụ việc này hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, việc 3 nhân viên y tế xã đã bị tạm đình chỉ công tác vì sử dụng bằng giả là bài học nhỡn tiền cho những ai không muốn học tập, rèn luyện nhưng lại muốn có bằng cấp bằng việc chỉ cần bỏ tiền ra là xong.
N.LINH - L.THU
Nên xử lý theo quy định để làm gương. Người học ko có việc làm, ngồi chơi hưởng lương nhà nước sướng wa
Lại có thông tin nhân viên y tế học đường học ngành thú y nhờ mua bằng trung cấp điều dưỡng để nộp xét vào biên chế làm nhân viên y tế học đường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 4 trăm học sinh tiểu học mỗi năm. Chẳng hiểu nhà tuyển dụng tuyển kiểu gì ? Nhà tuyển dụng ơi có thấy nguy hiểm quá không ?
Tất cả Phòng Nội Vụ Và Phòng GD- Đào tạo Tuy Phước đều không biết, đây là chuyện lạ. Tuy phước là một huyện thuần nông, người dân nông thôn rất quan tâm đến nhau, mọi nhất cử nhất động về học tập làm việc của mỗi người xung quanh đều biết thế mà các cơ quan chức năng không biết để tuyển dụng sai lầm chết người như thế! Cả hàng vài chục người chứ đâu phải ít thật là chuyện buồn cười!!!... Chuyên giống trẻ con chơi trò cút bắt quá.