Xứ người
Truyện ngắn của PHÙNG QUÝ
Phòng có ba cô gái, mà hai chiếc giường tầng.
Hằng “đầu gấu” 24 tuổi, dân Hải Phòng, chiếm ngay một giường dưới. Thảo “hoa hậu” 25 tuổi người miền Tây, xin nằm giường dưới vì yếu chân. Lan “nhà quê” 23 tuổi dân miền Trung, chịu lên tầng trên. Chiếc quạt trần quay lừ đừ cả đêm, không xua được nóng bức trong phòng. Hằng “đầu gấu” càm ràm chửi cả đêm:
- Bọn bóc lột! Bà làm đủ tiền xây cái nhà cho mẹ là tếch về nước ngay.
Lan nằm tầng trên nóng hơn nhưng lẳng lặng chịu. Nhưng Thảo rên rỉ như con mèo động đực, lột hết quần áo, chỉ mặc đồ lót đi ngủ. Thấy nó trằn trọc, lăn qua lăn lại, Lan ngó xuống, nhắc:
- Chế đẹp gái im chút đi. Chế cứ ở cởi sạch ra như này hai đứa tui biến thành less hết đó. Rồi chế lãnh đủ, nha chế!
***
Họ háo hức ra nước ngoài, công ty họ làm việc là một doanh nghiệp chuyên lắp ráp thiết bị điện tử ở bang Johor, Malaysia. Tiếng là nước ngoài nhưng giống y chang Sài Gòn. Ngôi nhà chung cư 10 tầng cũ kỹ, nằm giữa khu đô thị như con cóc cộ khổng lồ. Quanh chung cư bốc đủ thứ mùi từ bãi rác gần đó, mùi từ xưởng da giày sát bên, mùi cà ri, mùi tỏi… Ban đầu chịu không thấu, nhưng rồi ai cũng quen. Cả tầng trệt người ta làm dịch vụ, buôn bán. Trước khi lên cầu thang về phòng, công nhân đi qua hàng dãy quầy bán gạo, đỗ, muối, mắm, bột ngọt, cá đông lạnh. Bên trong nữa là quán cà phê, giải khát, tiệm internet, trò chơi điện tử.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Chung cư 10 tầng nhưng không có thang máy, nên các cô gái yếu ớt, được xếp ở tầng hai tới tầng năm. Trên nữa dành cho đàn ông. Ở đây toàn đàn ông Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và người châu Phi… người nào người nấy đen thui, lừng lững như quả núi khỏe mạnh, họ đủ sức vừa đi vừa chạy, vừa cười nói ầm ĩ lên tới tầng cao.
Ba cô gái người Việt may mắn được xếp phòng ngay tầng hai. Thật ra ban đầu có tới bốn người, thêm Hương “điên”. Bả 41 tuổi, luôn im lặng, đầy bí ẩn. Hương “điên” đêm nào cũng nằm mở đài nghe chuyện tình ướt át, tới khuya mới ngủ. Lan cùng nằm tầng trên, đối diện nên nghe rõ.
- Chị ơi! Nghe chi ba chuyện tầm xàm! Mụ mị đầu óc đó!
Nhưng Hương “điên” cứ nghe. Nghe không thèm đeo tai phôn, bảo nghe thế mới đã. Cả phòng cũng đành chịu. Hương “điên” đã vằn mắt lên thì đến bọn đầu gấu địa phương cũng né mà. Thỉnh thoảng Hương “điên” lại bỏ việc đi chơi với người yêu hai ba ngày mới về. Về rồi lại đi làm, chả sao cả, cứ biết điều với đốc công, quản đốc là xong hết. Cũng chẳng mất mát gì, Hương “điên” cười khẩy kể, cho nó sờ soạng tý tý là nó lơ hết. Nhưng mấy tháng trước, Hương “điên” a dua theo một nhóm xuống đường biểu tình chống chính phủ, bị cảnh sát Malaysia tó đầu, nhốt luôn và buộc lên đường về nước gấp gãy.
Thảo và Lan là cùng làm phân xưởng hoàn chỉnh thành phẩm. Hằng làm ở phân xưởng đóng gói. Đêm nào về cũng lảm nhảm chửi vì bị mấy thằng đốc công bốc hốt, sờ soạng mông vú. Thảo là người giàu có nhất trong phòng, có tới bốn chiếc điện thoại vừa iOS vừa Android.
Mỗi khi bực bực Hằng vẫn hay mắng Thảo là “con nhà lính, tính nhà quan”, gái nhà quê mà ăn chơi không phải lối. Mua làm đéo gì những mấy chiếc điện thoại thông minh! Nhưng vụ này Lan biết. Chẳng qua là Thảo lợi dụng nhan sắc móc túi bọn đàn ông dại gái thôi. Rất nhiều đàn ông đeo đuổi nó, đủ mọi màu da. Mỗi lần đổi bạn trai, khi đi chơi Thảo lại mang theo chiếc điện thoại cùi bắp. Anh chàng thấy tội nghiệp, liền mua tặng cho nàng chiếc điện thoại xịn. Dăm tháng, nàng lại quen thằng khác, chiếc điện thoại xịn được cất đi, điện thoại cùi bắp lại được mang ra.
Lan là người hà tiện. Mỗi ngày làm việc, chủ trả công 20 ring (tiền Malaysia), một tháng cộng tất tần tật các loại tiền thưởng chuyên cần, tiền tăng ca mới chừng bảy triệu tiền Việt. May không mất tiền nhà ở, lương thực, thực phẩm xứ này lại rất rẻ, chứ nếu không chẳng còn mà gửi về nhà. Lan thường tranh thủ ngày nghỉ ra cánh đồng gần đó, hái rau muống nước về ăn. Rau muống ở đây to lớn dị thường, lá bự chà bá, người ta chỉ dùng để chăn nuôi chứ không ăn, nên gì chứ rau muống thì không bao giờ thiếu. Lan lội nước, cắt hàng ôm về, tuốt bỏ lá, chẻ dọc đem muối dưa ăn dần. Hằng “đầu gấu” ngạc nhiên:
- Tao dân Bắc, chuyên rau muống đây! Vậy mà chưa từng ăn rau muống kiểu này? Có ngon không? Mày ăn rau như bò nhỉ…
- Kệ tao! Ngon chứ sao không! Bò thì làm sao.
Nói thì nói thế nhưng ăn thử thấy ngon, Hằng cứ lẳng lặng chén đều, rủ cùng đi hái rau thì không; bỏ công ra cùng ngồi chẻ cũng không, chỉ được cái tấm tắc khen ngon.
Bữa nào thèm thịt, Lan rủ Thảo ngồi xe buýt lên khu chợ người Hoa mua về muối ăn dần. Ở khu chung cư không có bán thịt heo.
- Tụi Mã lạ hén! Thịt heo ngon lại rẻ vậy mà hổng chịu ăn? Thảo cười rổn rảng.
- Người Mã phần nhiều theo đạo Hồi, kiêng cữ thịt heo. - Lan giải thích.
Hằng “đầu gấu” không thích ăn thịt heo, chỉ ham thịt gà - thứ gà công nghiệp nuôi kiểu gì đó mà nhạt hoét, bở rệt… Chắc do có nhiều hóa chất tồn dư, nên riết rồi Hằng trở nên hung hăng. Tối đó, thấy Thảo xếp mấy chiếc iPhone vô va li, Hằng bảo:
- Bà đưa cho tôi mượn một chiếc iPhone nhé! Máy tôi rơi xuống chậu nước, hỏng rồi!
Thảo còn ngần ngừ vì biết chắc làm gì có chuyện mượn. Là xin đểu đấy. Nhưng Hằng đã sấn sổ giật chiếc màu hồng, cao giọng: Mật khẩu mở máy?
Thảo mếu máo: Trả cho tao! Chiếc đó tao thích nhứt!
- Mẹ mày! Chài đàn ông được nhiều thì cũng nên chia sẻ chứ.
Lan chẳng nói chẳng rằng, bước tới, giật phắt chiếc điện thoại trên tay Hằng, trả cho Thảo.
- Á à, con này điên à… Hằng gầm gừ. Mày muốn chiến hả? Lại đây!
- Nay tao mệt! Không thích! Lan đáp lại nhát gừng.
Lan không nhát, không mệt. Cô sợ đánh nhau trong chung cư, bảo vệ bắt được, là sẽ bị đuổi việc. Mất việc là sẽ phải về nước. Nhưng cứ nhường nhịn mãi nó lờn mặt. Tha hương không thương nhau thì chớ. Con nầy phải dằn mạnh, không nó làm tới. Chiều hôm sau đi làm về, Lan nói Thảo về trước nấu cơm, rồi đứng chờ cạnh bãi rác chung cư vài trăm mét. Những bộ sa lông rách bốc mùi hôi mốc, những chiếc tủ cũ vứt chỏng trơ lẫn đám giường gãy chân người ta đem ra vứt ở đây. Lan ngồi sau một chiếc tủ đứng, tránh ánh nắng chiều gay gắt. Một lát sau, nghe tiếng huýt gió quen, cô biết Hằng đang về tới.
Thấy Lan, Hằng khệnh khạng, hất hàm hỏi:
- Gì nữa đây? Sợ rồi. Muốn dàn hòa đúng không?
Lan cười cười: Nay tao hết mệt rồi! Muốn uýnh lộn!
Mặt biến sắc, không nói không rằng gì, Hằng xông tóm lấy tóc Lan, xoắn lại, giật xuống. Tóc Lan dài đen và dày, nên Hằng quấn được mấy vòng liền quanh cổ tay. Gì chứ chiêu này Hằng quá rành, phải quấn cho thật chặt để giữ đối phương lại, Hằng cao to nên lên một gối là đối phương gãy răng, bất tỉnh.
Nhưng Lan cũng muốn Hằng quấn như thế để dễ áp sát. Lúc dạy võ cho em, anh Hai của Lan căn dặn hoài: Em thấp bé, phải áp sát để hạn chế ưu thế cao to của đối phương… Lan bình tĩnh nắm cổ khẩu Hằng bóp mạnh, kéo dúi xuống, vặn ngược, bồi thêm một chỏ. Hằng “đầu gấu” cắm đầu xuống đất.
- Mày quên quê tao ở đâu à? Tao không mệt, càng không sợ nhưng không muốn bị đuổi việc. Thế thôi! Ba đứa con gái xa nhà, mày to con hơn ăn hiếp con Thảo làm gì? Nó khóc với cái thằng mua con iPhone tặng nó, thì mày có yên không…
Lan nhát gừng từng câu rồi lặng lẽ quay bước, vừa đi vừa búi lại tóc. Hằng “đầu gấu” ngồi lặng dưới đất. Quên cả một miệng đầy đất cát.
Thời gian này rộ lên nạn có những kẻ xấu đón đường công nhân, tuyên truyền vận động họ theo đạo giáo quỷ quái gì đó. Hằng mấy lần từ chối, cãi lộn. Lan thì nói thẳng vô mặt tên đàn ông tiếp xúc với cô, rằng mình không theo đạo nào hết. Nhưng Thảo lại thích thú với trò này, bởi đi nghe giảng đạo, mỗi người được phát 5 cân gạo và 10 ring. Ngu gì không đi! Thảo và một số chị em ở tầng ba cứ chủ nhật là rủ nhau tụ tập ở một nơi nào đó. Khuya về ôm túi gạo và hàng đống tài liệu, băng đĩa được họ phát miễn phí. Lan tỉ tê với Thảo.
- Đừng có tin thứ đạo tào lao đó! Toàn nói xấu nước mình, bôi bác quê hương mình. Hay gì mà nghe.
Nói thế thôi nhưng rồi có con đàn bà lạ hoắc hai lần chặn đường Lan, hăm dọa: - Mày không tin thì thôi! Câm miệng lại! Mày mà chết ở đây, không cảnh sát nào nó điều tra đâu.
Lan trừng mắt bỏ đi, không trả lời.
Buổi tối thứ ba hằng tuần có chợ đêm. Đám công nhân châu Á rất khoái chợ này, vì nó hấp dẫn, mê hoặc không dứt ra được. Quần áo, trái cây, đồ ăn nhanh bán rất rẻ. Dân địa phương rất phóng khoáng, dễ chịu. Hầu như ai có nhu cầu tình cảm ra chợ đêm đều có thể tìm được. Chỉ một cái liếc mắt, một câu làm quen, ít phút sau đôi nam nữ đã rủ nhau vô một phòng nghỉ gần đó.
Có một gã đàn ông cao to cười cười với Lan, y giơ ngón tay cái lên ra dấu. Lan vừa trừng mắt nhìn lại thì một chiếc bao tải trùm kín đầu cô từ phía sau. Cổ bị kẹp cứng, hai tay bị giữ chặt. Lan đành thúc thủ, chỉ kịp kêu lên “Hằng ơi!”. Bỗng có tiếng con gái la hét ầm ĩ. Tiếng đập chan chát vào thân thể ai đó. Đứa ở sau vừa lỏng tay đã lãnh nguyên cùi chỏ vào hông, Lan vội lột cái bao khỏi đầu, kịp thấy Hằng “đầu gấu” đang cầm chiếc nồi cơm điện đập liên hồi lên đầu gã đàn ông ôm Lan. Cạnh đó, Thảo dữ tợn cầm nguyên một con dao dài giật từ trong quán ăn gần đó vung loạn lên.
Lan vẫn kịp nhìn thấy gã đàn ông cao to vừa cười cười với mình lúc nãy. Y vẫn đứng cách đó không xa. Cô dợm mình lướt tới, tung một đòn song phi găm thẳng vào ngực y… Thằng đàn ông té ngửa, nhưng vẫn đủ sức kịp lồm cồm vùng dậy quay đầu chạy mất. Cả chợ đêm chộn rộn lên nhưng rồi ai việc nấy nhanh chóng trở lại bình thường. Gì chứ chuyện đập nhau ở đây không hiếm. Chỉ khi nào có người chết cảnh sát mới can thiệp.
Xuống sân bay. Lúc chia tay để ai về quê nấy, Thảo tặng cho Lan một chiếc iPhone. “Đây là chiếc tao mua để tặng mày. Không phải của bồ tao tặng đâu! Cũng quên chuyện đó đi nghe, buồn tình thôi mà. Tao không lãnh đạm được như mày. Khỏe nghen!”.
Hằng hẹn cuối năm đám cưới, hai đứa mày phải ra Bắc chơi với tao, xem nhà mới nữa, nhà xây bằng mồ hôi nước mắt của tao, có cả phần chúng mày trong đó không ít; ra đi lúc đó tao mới gởi quà quê mang về. Ra ngoài đó không được gọi tao là “đầu gấu”, tao phải còn lấy chồng chứ.
Lan cười cười, cô đang nghĩ đến trại nuôi dê mà mẹ cha cô với anh Hai gầy dựng mấy năm nay có phần đóng góp không nhỏ từ món tiền cô gởi về, cô bắt đầu mơ tưởng tới anh bạn thân quê ở Ninh Thuận cũng về đợt này. Anh bảo, cha mẹ anh sẽ sớm ra Bình Định thăm cho biết nhà…
Xứ người không phải chỉ có hoa hồng dẫn lối, cũng không hẳn chỉ có cực nhọc, vất vả… Hễ ai chịu khó vun trồng thì sẽ đến lúc hái quả ngọt. Sự lý đơn giản thế thôi nhưng cả ba đều tin rằng cũng không phải ai cũng nhanh chóng nhận ra.