Hoài niệm với bảng hiệu thủ công
Bảng hiệu vẽ tay là một phần nét đẹp xưa, như dấu tích của thời gian chứa nhiều câu chuyện liên quan đến đất và người ở một nơi nào đó. Giữa vô vàn bản hiệu đèn led hiện đại, vẫn còn một số gia đình trân quý, giữ lại những bảng hiệu thủ công từ thời ông cha, treo trước nhà như niềm tự hào, trân trọng gìn giữ kỷ niệm thời trước.
Say sưa kể về nghề y học cổ truyền kéo dài 3 đời trong gia đình, ông Nguyễn Hoài An (SN 1969, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) cho hay, chiếc bảng hiệu vẽ tay trên tường được làm từ năm 1965, khi ông nội của ông chính thức hành nghề ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn). Trải qua mấy chục năm, chiếc bảng luôn đồng hành cùng con cháu, dù chuyển nhà thì bảng hiệu luôn được các thành viên nâng niu mang theo. Với gia đình ông An, nó là “vật chứng” về sự bền bỉ, yêu nghề và truyền thống gia đình.
Bảng hiệu (trong) được gìn giữ, truyền qua 3 đời nhà ông An. Về sau, ông còn làm thêm một bảng hiệu trưng phía trước tiệm. Ảnh: T.HẰNG
“Chiếc bảng này vừa thể hiện nghề cha truyền con nối của gia đình, vừa đánh dấu cột mốc làm nghề của ông cha. Vậy nên, dù bảng dần cũ theo năm tháng, chúng tôi vẫn kiên quyết giữ lại và trịnh trọng đặt tại vị trí trung tâm của nhà. Không gì có thể so sánh được với những đồ vật giàu giá trị tinh thần như thế”, ông An khẳng định.
Không sắm sửa những chiếc bảng đèn led hiện đại để dễ thu hút khách hàng hơn, ông Mạc Hùng Vinh (SN 1969, ở phường Trần Hưng Đạo) cùng tiệm cắt tóc với 40 năm tuổi vẫn đơn sơ, mộc mạc với bảng hiệu thời xưa nằm lọt thỏm giữa hàng cây xanh, ngay ngã tư đường Phan Bội Châu - Mai Xuân Thưởng (TP Quy Nhơn). Là người hoài cổ, ông Vinh dành trọn không gian tại tiệm cho những vật dụng nhuốm màu thời gian: Những bức ảnh đen trắng về thành phố biển Quy Nhơn, chiếc tông-đơ, kính soi… đều của thế kỷ trước.
Tiệm cắt tóc hoài niệm của ông Vinh lọt thỏm giữa ngã tư đông đúc. Ảnh: T.HẰNG
Được hỏi về chiếc bảng hiệu cũ nhưng vẫn được sử dụng, ông Vinh tâm sự: “Bạn bè tôi ngỏ ý sửa chữa lại cho mới, nhưng tôi từ chối bởi muốn giữ nguyên hiện trạng của chiếc bảng hiệu đầy kỷ niệm. Với người đứng tuổi như tôi, dấu ấn thời gian luôn để lại cảm xúc rất khó tả”.
Không chỉ những người thế hệ trước trân quý và muốn lưu giữ lại nét đẹp xưa cũ của bảng hiệu vẽ tay, một bộ phận người trẻ cũng tìm hiểu và sưu tầm.
Anh Vũ (phải) yêu thích việc sưu tầm bảng hiệu thủ công. Ảnh: T.HẰNG
Hào hứng giới thiệu một số bảng hiệu cũ được đặt tại nhiều vị trí bắt mắt trong tiệm cà phê Văn (67 Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) do mình làm chủ, anh Lê Tôn Hoàng Vũ (SN 1997, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn), cho biết: “Tôi có niềm yêu thích đặc biệt trước những vật dụng xưa, gợi nhớ đến một Quy Nhơn ngày tôi thơ ấu. Bảng hiệu thủ công là một trong số đó. Bởi vậy, tôi thường dành thời gian đi khắp các ngõ ngách trong và ngoài thành phố để chụp và tìm mua, gìn giữ chúng”.
THÚY HẰNG