Ca bệnh tay chân miệng nặng tăng
Ðến hết ngày 1.12, toàn tỉnh ghi nhận 1.110 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có đến 1.048 trẻ dưới 5 tuổi. Không chỉ số ca mắc tăng gấp 4,7 lần so với năm ngoái, mức độ bệnh nặng cũng phức tạp hơn.
Khởi bệnh đúng 1 ngày với bọng nước ở vùng mông, kèm sốt cao, ho nhiều, chảy mũi đục, đến tối 27.11, bé N.T.N. (26 tháng tuổi, ở TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) được đưa thẳng đến khoa Nhi (BVĐK tỉnh Bình Định) cấp cứu. Kết quả khám cho thấy bệnh tay chân miệng (TCM) của bé đã chuyển từ độ 2b sang độ 3 - giai đoạn nặng, viêm cơ tim cấp, viêm phổi. Bác sĩ phải sử dụng thuốc đặc hiệu can thiệp và hồi sức tích cực, đến ngày 30.11 sức khỏe bé N. ổn định, tiếp tục điều trị cách ly tại phòng bệnh.
Khu nhi nhiễm (khoa Nhi, BVĐK tỉnh) hiện tiếp nhận khoảng 5 ca tay chân miệng/ngày. Ảnh: M.H
Trước đó, bé trai T.K.D. (14 tháng tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) cũng nhập viện vào Hồi sức nhi (khoa Nhi, BVĐK tỉnh) do TCM. Bệnh diễn tiến nặng rất nhanh, chỉ 1 ngày từ TCM độ 2b chuyển sang độ 3 kèm viêm phổi nặng và tiếp tục chuyển độ 4 - nặng nhất, nguy cơ tử vong cao. Bé D. được cho thở máy, lọc máu liên tục và điều trị tích cực, sau 13 ngày bé vượt qua nguy hiểm, ổn định sức khỏe.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), trước đây, những trẻ mắc TCM độ 3, độ 4 cần can thiệp lọc máu đều chuyển viện lên tuyến trên. Năm 2023, khoa Nhi triển khai kỹ thuật này, nhờ đó đã lọc máu liên tục cứu sống 5 bệnh nhi mắc TCM nặng ở độ 3, độ 4. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11.2023, trong 728 bệnh nhi TCM điều trị tại khoa phần lớn là bệnh nặng; trong đó có 486 ca độ 2a (66,76%), 109 ca độ 2b nhóm 1 (14,97%), 7 ca độ 2b nhóm 2 (0,96%), 6 ca độ 3 (0,83%), 3 ca độ 4 (0,41%).
“Đỉnh điểm là tháng trước, số lượng bệnh nhân tăng cao, theo đó số bệnh nặng cũng gia tăng. Hiện, lượng bệnh nhi vào viện giảm hơn một chút, nhưng trung bình vẫn 5 ca/ngày ở độ 2a, 2b, 3. Nhiều trẻ mắc TCM còn kèm theo các bệnh lý khác. Đặc biệt, bệnh diễn biến nặng rất nhanh, nếu xử trí, điều trị không kịp thời dẫn đến biến chứng viêm não, viêm cơ tim, tử vong rất nhanh. Do đó, dù tại Bình Định chưa ghi nhận ca TCM tử vong nhưng không thể chủ quan”, bác sĩ Thủy nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thuộc Sở Y tế, năm 2023 bệnh TCM tại Bình Định tăng gấp 4,7 lần so với năm 2022. Từ tháng 1 đến tháng 5 ghi nhận ca bệnh rất thấp (trung bình 2 ca/tháng); từ tháng 6 ca bệnh bắt đầu tăng (43 ca), tiếp tục tăng trong tháng 7 (310 ca), và giảm dần từ tháng 8 đến nay song vẫn ở mức cao (từ 144 - 259 ca/tháng).
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách CDC, cho hay bệnh bước vào cao điểm từ tháng 7 trở đi và đã ghi nhận chùm ca bệnh tại các trường mầm non, làm gia tăng khả năng lây lan vi rút, do đó làm tăng số ca bệnh trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, đây là chu kỳ dịch 5 năm của bệnh TCM (năm 2018 cũng ghi nhận số ca bệnh tăng cao với 1.044 ca). Bên cạnh đó, chủng vi rút giám sát được trong năm nay của TCM chủ yếu là chủng EV71 - đây là chủng có khả năng gây các biến chứng nặng và nguy cơ dẫn đến tử vong.
Trước tình hình này, CDC và các TTYT huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát tình hình ca bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch tránh lây lan thành dịch; đồng thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Bác sĩ CKI Huỳnh Vĩnh Thu, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC) thông tin, đến ngày 2.12, tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều ghi nhận ca TCM. Điều đáng nói, trong 85 cơ sở mầm non, mẫu giáo có trẻ mắc TCM thì 13 cơ sở xuất hiện ổ dịch.
Bệnh tay chân miệng độ 2a cần điều trị tại cơ sở y tế
TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ em và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Bệnh TCM biến chứng nhanh và độ nguy hiểm tỷ lệ thuận với số ca mắc gia tăng. Do đó, hết sức lưu ý trẻ mắc bệnh, ngoài biểu hiện sốt cao, bỏ ăn và đau ngứa, thì biến chứng thần kinh rất nguy hiểm phải theo dõi sát. Triệu chứng của biến chứng này là run giật và yếu chi (đi đứng loạng choạng, cầm nắm đồ chơi, đồ vật không vững chắc...), ngủ giật mình chới với. Trẻ mắc độ 2a cần được điều trị tại cơ sở y tế.
Bác sĩ CKII NGUYỄN THỊ THU THỦY
MAI HOÀNG