Vở tuồng “Nhìn lại một vương triều”: Bài học về “sức dân như nước...”
Tối 3.12, Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đã biểu diễn báo cáo tổng duyệt vở tuồng được dàn dựng mới Nhìn lại một vương triều (tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng; tác giả chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm; đạo diễn: NSND Nguyễn Hoài Huệ). Vở diễn khắc họa vương triều Hồ (1400 - 1407) - một vương triều chỉ tồn tại trong vòng 7 năm, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử nước ta.
Lấy bối cảnh nhà nước phong kiến Đại Việt đầu thế kỷ XV khi vương triều Trần ở vào thời kỳ suy vong, nhà Hồ kế tục, vở diễn Nhìn lại một vương triều nói về triều nhà Hồ - xoay quanh nhân vật Hồ Quý Ly. Ông đã để lại những dấu ấn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta ở việc thực hiện cải cách đất nước một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, như: Dùng tiền giấy thay tiền đồng; canh tân giáo dục, khuyến học theo lối ứng dụng qua việc phát triển chữ Nôm, đổi mới thi cử khi khuyến khích toán pháp, đặc biệt là dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa và xây thành ở đây; đổi tên nước thành Đại Ngu… Thế nhưng, việc cải cách táo bạo, triệt để thực hiện nôn nóng, nên Hồ Quý Ly đã mắc phải những sai lầm khi lòng dân không thuận đã dẫn tới kết cục bi thảm: Vương triều Hồ nhanh chóng sụp đổ, đất nước lại bị giặc Minh (Trung Quốc) sang xâm chiếm để rồi: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng để lại mối hận nghìn năm - Nguyễn Trãi).
Một cảnh trong vở tuồng Nhìn lại một vương triều. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dấu ấn triều Hồ và Hồ Quý Ly đã được ê - kíp vở diễn sáng tạo thể hiện qua tác phẩm sân khấu nghệ thuật truyền thống chuyển tải những thông điệp còn vẹn nguyên giá trị lịch sử như Nguyễn Trãi từng nói: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”.
Đạo diễn NSND Nguyễn Hoài Huệ chia sẻ: “Ngay tên vở diễn từ kịch bản văn học Nhìn lại một vương triều là chìa khóa để tôi đạo diễn vở này. Toàn bộ cấu trúc, cảnh trí trên sân khấu được dàn dựng xoay quanh “tứ trụ triều đình”, cùng trình thức tuồng từ vũ đạo, hóa trang, cho đến âm nhạc, ánh sáng… được đưa vào dựng nên vở diễn chính kịch lịch sử đảm bảo tính thẩm mỹ, nhận thức, giáo dục của nghệ thuật sân khấu tuồng. Tất cả như một tấm gương mở ra, đóng vào gửi gắm thông điệp lịch sử như một tấm gương phản chiếu để hậu thế suy ngẫm, chiêm nghiệm từ tư tưởng, chủ đề của vở diễn”.
Nhân vật chính của vở diễn là Hồ Quý Ly được nghệ sĩ trẻ Thái Phiên diễn khá tròn vai. Nghệ sĩ Thái Phiên tâm sự: “Tôi từng đảm nhận diễn nhiều vai diễn tướng văn võ song toàn, kể cả vai vua, nhưng khi diễn vai Hồ Quý Ly thực sự thấy đây là một vai diễn nặng, bởi dồn nhiều kịch tính xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn. Tôi phải diễn làm sao để bật lên cảm xúc tâm can giằng xé của một bậc anh hùng dù chí lớn, tài cao cũng không thể đi đến đích chung cuộc phải nhận cái kết bi thương. Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện, dưới sự chỉ dạy tận tình của NSND Minh Ngọc, đạo diễn NSND Nguyễn Hoài Huệ, cùng các đồng nghiệp hỗ trợ, tôi đã hoàn thành tốt vai diễn gieo cảm xúc đến với khán giả theo dõi vở diễn”.
Nghệ sĩ trẻ Thái Anh cũng đem lại cho khán giả nhiều tình cảm trong vai diễn Thượng tướng Trần Khát Chân - một trung thần của triều Trần đã liên kết với một số tôn thất, tướng lĩnh mưu sát Hồ Quý Ly nhưng âm mưu bị thất bại, ông đã bị bắt và bị xử tử. Nghệ sĩ Thái Anh bộc bạch: “Thế mạnh của tôi là diễn các vai phản diện. Trong vở này tôi được giao vai kép chính diện, nên cố gắng căng sức ra diễn sao cho toát lên khí phách vị tướng lĩnh”.
Ngoài diễn xuất của diễn viên, kèm hiệu ứng ánh sáng, cảnh trí sân khấu, âm nhạc hát vọng do nghệ sĩ Hoàng Dũng, Minh Trang thể hiện minh họa vở diễn trong những màn chuyển cảnh: “Lệnh xuống phương Nam mở/ Chiếu chỉ giảm điền trang/ Hạn nô ban sắc luật/ Tuốt kiếm dựng non sông/ Phải chăng mưu lược giỏi/ Thiếu kế sách dân an/ Hoài bão non sông đành vỡ mộng/ Anh hùng ôm hận mãi ngàn năm” đã tạo kịch tính vở diễn tăng thêm cao trào lôi cuốn khán giả thăng hoa những cung bậc cảm xúc để hiểu sâu hơn những bài học lịch sử của dân tộc đầy bi hùng...
ĐOÀN NGỌC NHUẬN