Hội thảo khoa học “Thành Hoàng Đế trong tiến trình lịch sử Việt Nam”
(BĐ) - Sáng 5.12, Sở KH&CN phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức Hội thảo khoa học “Thành Hoàng Đế trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện Bộ KH&CN; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH&TT, Sở Du lịch; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; các nhà nghiên cứu trong tỉnh; giảng viên, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn.
Khuôn viên Tử Cấm Thành của Khu di tích thành Hoàng Đế. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thành Hoàng Đế trong lịch sử từng là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa với tên gọi thành Đồ Bàn; dưới vương triều Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc có tên gọi là thành Hoàng Đế (nay thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, TX An Nhơn). Thành Hoàng Đế được Nguyễn Nhạc cho xây dựng năm 1776 trên nền dấu tích thành Đồ Bàn. Nơi đây từng là đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghĩa, là kinh đô của Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, giữ một vai trò quan trọng trong phong trào nông dân Tây Sơn cũng như những năm tháng cuối cùng của vương triều Tây Sơn.
Là di tích mang tính kế thừa, thành Hoàng Đế đan xen nhiều lớp kiến trúc khác nhau, từ vương triều Champa thế kỷ XI-XV đến thời Tây Sơn trong những năm 1776 -1802, rồi đến nhà Nguyễn từ năm 1802 về sau. Thành Hoàng Đế được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích quốc gia ngày 24.12.1982.
Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa, trong đó, có các chuyên gia đầu ngành, như: GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia; PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam… đã phân tích, thảo luận, đưa ra nhiều tư liệu, luận cứ khoa học để làm rõ nguồn gốc, diện mạo và vị trí của thành Hoàng Đế trong phong trào Tây Sơn và lịch sử dân tộc nhằm làm sáng tỏ thêm vai trò, giá trị của thành Hoàng Đế.
Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tỉnh Bình Định đề xuất triển khai và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thành Hoàng Đế trong phát triển KT-XH, đặc biệt là phục vụ du lịch và giáo dục cộng đồng.
NGỌC NHUẬN