Ngư dân vui mùa lưới cước
Mùa biển động cũng là thời điểm vào vụ lưới cước của ngư dân khai thác hải sản ven bờ. Mùa này giá hải sản tăng cao nên bà con có thu nhập tương đối khá.
Mùa gió Đông Bắc về gây biển động thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng Chạp. Mùa biển động cũng là mùa ngư dân làm nghề lưới cước vào vụ đánh bắt cá hố, cá sòng, ghẹ… bằng lưới ba cản, lưới hai, lưới ba màn… thả ven biển gần bờ, và có thu nhập khá nhờ mùa này hải sản được giá.
Ngư dân làm nghề lưới ba cản ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn thu hoạch cá sau khi thả lưới. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Gắn bó với nghề biển gần 50 năm, ngư dân Dương Văn Thẩm (64 tuổi, ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) làm đủ các loại nghề, rồi chọn nghề chính là lưới cước để mưu sinh. Ông Thẩm chia sẻ: “Nghề lưới cước đánh cá ven bờ không tốn nhiều vốn đầu tư, cũng như tổn phí. Phương tiện đi biển chính là thúng chai, thúng gắn máy. Tính cả thúng và 1 - 2 giàn lưới đầu tư tầm 30- 40 triệu đồng lại có thể làm quanh năm. Mỗi người một thúng đi thả lưới chỉ cách bờ khoảng hơn 1 hải lý, làm túc tắc cũng đủ ăn, hôm nào trúng thì có dư”.
Tùy theo mùa và con nước thủy triều mà ngư dân lên lịch đi thả lưới để đánh bắt đạt hiệu quả cao. Ngư dân Đồng Đức (42 tuổi, ở khu phố Trung Lương, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát), cho biết: “Ngày mùa biển êm, nước trong, tôi làm lưới hai, thả từ chiều ngày hôm trước đến sáng hôm sau thu lưới vào bờ. Còn mùa biển động, nước đục, tôi làm lưới ba màn, mỗi ngày đánh 3 - 4 chỗ từ rạng sáng đến đầu giờ chiều mới về. Tự làm một mình cũng kiếm trung bình 400 - 500 nghìn đồng/ngày, gặp lúc trúng biển có khi thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/ngày”.
“Mùa biển động, do sự xáo động dòng nước đáy nên cá, tôm, ghẹ, mực di chuyển lên trên tầng nước nổi, ngư dân làm nghề lưới cước đánh bắt ven bờ đạt sản lượng cao. Chúng tôi khuyến cáo bà con ngư dân thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, tuân thủ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai của ngành chức năng, chính quyền địa phương, không nên ra khơi khi biển động mạnh, sóng to, gió lớn sẽ rất nguy hiểm”.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT)
Chuyển xong giàn lưới ba màn lên thúng chai chuẩn bị ra khơi, ngư dân Đỗ Quang Hiền (47 tuổi, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) bộc bạch: “Mùa này ra biển dầm mưa, ngấm nước, lênh đênh trên thúng gần như cả ngày, nhưng mẻ lưới nào kéo lên cá nhiều là bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến, bởi trúng nhiều cá là thu nhập sẽ càng tăng”.
Làm lao động tự do, nhưng khi rảnh rỗi anh Trần Văn Hộp (33 tuổi, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải) lại cùng bạn tranh thủ thả lưới màn ven mép sóng dọc bãi biển ở địa phương để kiếm cá ăn, khi trúng thì cải thiện thêm thu nhập. Anh Hộp thổ lộ: “Mùa biển êm tôi cũng làm nghề lưới hai, nhưng mùa Đông thì làm nghề khác. Ngày nào rảnh tôi lấy lưới màn ra thả. Làm vậy chứ có hôm cũng đánh được nhiều cá, giữ một phần để ăn, còn lại đem bán kiếm vài trăm nghìn đồng”.
Vừa cùng vợ thao lại giàn lưới hai vào thúng chuẩn bị thả vào rạng sáng hôm sau, ngư dân Lê Thái Lai (38 tuổi, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải), tâm tình: “Năm ngoái, từ tháng 8 âm lịch biển đã động, lại động kéo dài, tôi làm đến tháng Chạp có thu nhập gần 100 triệu đồng. Năm nay, tới tháng 10 âm lịch biển mới động là muộn so với mọi năm, thời gian biển động ngắn, đánh lưới đạt sản lượng thấp hơn, nhưng vẫn có thu nhập đều. Ra khơi mùa biển động rất vất vả, rủi ro cao, chúng tôi cũng lựa lúc biển dịu bớt mới đi, chứ biển động mạnh là ở nhà để đảm bảo an toàn”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN