Cử tri đánh giá cao kết quả chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền
Sáng 5.12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HÐND tỉnh khóa XIII khai mạc Kỳ họp thứ 14, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh năm 2023, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024; đồng thời xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền.
Các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Huỳnh Thúy Vân - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì kỳ họp.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong năm 2023, những kết quả đạt được và những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các cấp, các ngành.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
“Trên cơ sở đó, xem xét quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính - ngân sách, đầu tư… năm 2024, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nói.
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, thảo luận kỹ từng nội dung trình kỳ họp. Thực hiện chất vấn đúng và trúng, trọng tâm các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm; đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua đúng quy định của pháp luật, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23.6.2023 của Quốc hội để đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, rèn luyện đạo đức, lối sống đối với người được lấy phiếu tín nhiệm theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với 3 mức đánh giá “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp”.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả tốt, đồng chí Hồ Quốc Dũng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, làm việc chính xác khi thể hiện chính kiến của mình thông qua việc ghi phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
“Vấn đề quan trọng nhất vẫn là đánh giá của bản thân mỗi đại biểu HĐND tỉnh theo tính khách quan, thận trọng, chính xác và tính lịch sử khi xem xét vấn đề trong suốt một quá trình. Sự cân nhắc, thận trọng, chính xác và công tâm của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ quyết định chất lượng việc lấy phiếu tín nhiệm lần này”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Cử tri, nhân dân đánh giá cao kết quả chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền
Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, DN, tình hình KT-XH năm 2023 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng (bìa trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (bìa phải) tặng hoa chúc mừng ông Đỗ Xuân Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, tân Ủy viên UBND tỉnh.
Trong đó, 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH năm 2023 do HĐND tỉnh giao đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, GRDP tăng 7,61%, vượt so với kế hoạch đề ra (7 - 7,5%). GRDP của Bình Định xếp thứ 17/63 địa phương trong cả nước; đứng thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; đứng thứ 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô kinh tế của tỉnh xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, đứng thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ và thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
“UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo phân giao chỉ tiêu phát triển KT-XH thống nhất, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện và định hướng đến cấp xã; tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Đầu phiên họp chiều 5.12, HĐND tỉnh thực hiện quy trình miễn nhiệm, bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. 100% đại biểu có mặt đã bỏ phiếu nhất trí bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Đỗ Xuân Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; đồng thời miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Trần Thanh Hải, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, do chuyển công tác.
Về kết quả giám sát việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp nhận, tổng hợp gửi đến Thường trực HĐND tỉnh 238 kiến nghị. Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp 224 kiến nghị để chuyển đến UBND tỉnh. Nội dung kiến nghị liên quan đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
“Qua theo dõi, giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh, đến nay có 215/224 kiến nghị được trả lời bằng văn bản (đạt tỷ lệ 96%). UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo việc tiếp thu, nghiên cứu trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho hay.
Thông báo về kết quả tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng cuối năm 2023 và một số kiến nghị với kỳ họp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ cho biết cử tri và nhân dân rất phấn khởi, đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực, phối hợp của MTTQ, các hội, đoàn thể trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực.
“Nhân dân mong muốn HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan, ban, ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; có định hướng và quyết sách phù hợp, kịp thời xử lý, khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân”, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bày tỏ.
● Theo chương trình kỳ họp, hôm nay (6.12), HĐND tỉnh thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu; thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn. Kỳ họp sẽ bế mạc vào chiều 6.12.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Một trong những vấn đề đáng chú ý của các nội dung Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XIII là kết quả triển khai, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đó là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tạo sự thống nhất chỉ đạo triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã về thực hiện các chương trình MTQG.
Các hộ gia đình nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Các công trình nước sạch sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng, cải thiện điều kiện sống cho bà con. Các công trình giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư. Nguồn vốn của các chương trình đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng dự án.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện 3 chương trình MTQG đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Đáng chú ý, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương nhiều, nhưng ban hành còn chậm, chưa cụ thể, rõ ràng, cho đến nay một số đề xuất, đề nghị của địa phương vẫn chưa được Trung ương hướng dẫn. Việc giao kế hoạch vốn triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương chậm. Cụ thể, tháng 5.2022 Trung ương chính thức giao kế hoạch vốn; đến tháng 8.2022 tỉnh giao chính thức về địa phương sau khi thông qua HĐND cấp huyện khoảng tháng 10.2022 mới bắt đầu triển khai thực hiện.
Về chủ quan, các sở, ngành, địa phương thụ hưởng chương trình chưa chủ động, còn chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng của cấp trên để triển khai đúng quy định, nên làm chậm quá trình triển khai thực hiện và giải ngân vốn.
Do đó, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong thời gian đến là tiếp tục rà soát, kiến nghị Trung ương các nội dung còn vướng mắc, còn thiếu trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình, dự án đang triển khai, khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các công trình được bố trí khởi công mới trong năm 2024.
Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản đối với từng chương trình MTQG triển khai, đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình được thực hiện đầy đủ, thực sự là cơ quan đầu mối trong giải quyết, tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ khó khăn của các địa phương, sở, ngành thực hiện các chương trình MTQG. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện chương trình. Tăng cường trách nhiệm của giám đốc các ban quản lý dự án cấp huyện, chủ tịch UBND các xã và cam kết về tiến độ thực hiện dự án.
MAI LÂM - NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC