PHIÊN THẢO LUẬN TỔ KỲ HỌP THỨ 14 HĐND TỈNH KHÓA XIII:
Không khí sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, kiến nghị xác đáng
Trong khuôn khổ phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XIII vào tối 5.12, các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xung quanh nhiều vấn đề qua các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết được trình bày trước đó.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng chủ trì cuộc họp chung đại diện 4 tổ để nghe tổng hợp ý kiến, từ đó chỉ đạo các sở, ngành liên quan có sự chuẩn bị để giải trình, làm rõ.
Đa số đại biểu (ĐB) đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành trình kỳ họp; đánh giá cao chất lượng các báo cáo thẩm tra, báo cáo kết quả giám sát trình tại kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh; các kiến nghị xác đáng của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Đảm bảo dân sinh, phát triển bền vững
Theo ĐB Nguyễn Thanh Vũ (đơn vị Tây Sơn), để đạt tiến độ và hiệu quả xây dựng nông thôn mới, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ bước đầu đối với các xã miền núi sau khi đạt chỉ tiêu về đích nông thôn mới, giúp các xã hoàn thiện tốt nhất các chỉ tiêu.
“Trên thực tế, nhiều xã miền núi có xuất phát điểm thấp, khi về đích sẽ bị mất một số chính sách ưu đãi đặc thù, nên có tâm lý “bị chùn” trong việc thực hiện các chỉ tiêu”, ĐB Vũ nêu vấn đề.
Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận ở tổ.
Trong khi đó, ĐB Phan Trường Sơn (đơn vị Hoài Nhơn) nêu một số bất cập trong công tác quản lý, kiểm soát tàu cá. Theo ĐB Sơn, qua thống kê năm 2023, có trên 800 tàu cá không được trang bị đầy đủ giấy tờ pháp lý. Có những tàu cá “3 không”: không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép đánh bắt.
“Đó là chưa kể các trường hợp ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, UBND tỉnh cần xây dựng đề án mang tính bền vững, dài hơi nhằm khắc phục, tiến tới đẩy lùi, chấm dứt tình trạng trên”, ĐB Sơn đề nghị.
Ông Sơn cùng một số ĐB đề cập đến vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở nông thôn. Hiệu quả thực hiện chưa cao bởi một số nguyên nhân như: thu phí chưa đảm bảo, các đơn vị được chỉ định thu gom chưa nhiệt tình... Do vậy, tỉnh cần có biện pháp vừa đôn đốc, vừa hỗ trợ để các địa phương giải quyết vấn đề trên.
Về nơi xử lý chất thải, cần đảm bảo nhà máy xử lý rác thải ở TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn hoạt động hiệu quả, đáp ứng tiêu chí vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người dân, tận dụng được nguồn rác thải đã qua xử lý.
ĐB Đặng Bá Lâm (đơn vị An Nhơn) cho rằng cần xây dựng các đề án về sửa chữa, nâng cấp để phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để tỉnh và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đầu tư, tu bổ di tích, góp phần hiệu quả phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các ĐB cho rằng tỉnh cần sớm phê duyệt, ban hành quy chế quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để phân cấp, tạo cơ chế thống nhất trong thực hiện.
ĐB Trần Văn Quyết (đơn vị Hoài Nhơn) nêu vấn đề dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn TX Hoài Nhơn, khiến người dân lo ngại về khả năng thoát nước vào mùa mưa lũ của các cống trên tuyến cao tốc.
ĐB Quyết cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay lượng mưa chưa nhiều, chưa có cơ hội kiểm chứng khả năng thoát nước của hệ thống, nhưng sự lo lắng của người dân là có cơ sở. “Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư, đơn vị thi công khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng theo thực tế để chủ động hướng giải quyết, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân”, ĐB Quyết nói.
Cần giải pháp nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất, thuê đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân nêu vấn đề về hiệu quả hoạt động của các khu, CCN.
Theo ĐB Huỳnh Thúy Vân (đơn vị Quy Nhơn), qua báo cáo cho thấy còn quá nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, phát huy hiệu quả các khu, CCN trên địa bàn tỉnh. Số CCN đi vào hoạt động rất thấp, đặc biệt là các CCN do cấp huyện, DN làm chủ đầu tư. Trong khi đó, UBND tỉnh chưa có những giải pháp căn cơ, hiệu quả tốt.
ĐB Nguyễn Thị Tuyết (đơn vị Phù Cát) bày tỏ lo lắng trước tình trạng nhiều CCN gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, chậm đầu tư hạ tầng; thu hút đầu tư vào các CCN đã hoàn thiện chưa tốt, gây lãng phí nguồn tài nguyên.
“Phát triển các CCN được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về tài nguyên, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; qua đó góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, làm thay đổi diện mạo ở nhiều vùng nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Vì vậy, UBND tỉnh cần đề ra giải pháp tối ưu để phát huy hiệu quả của các CCN”, ĐB Tuyết nói.
ĐB Lê Thanh Tùng (đơn vị An Nhơn) cho rằng để có thể thu hút DN vào đầu tư tại các khu, CCN; ngoài việc bàn giao mặt bằng, đường, cần có những giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho DN. Trên thực tế, hiện nay DN phải bỏ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống PCCC theo quy định trước khi hoạt động, khiến họ e dè vì số tiền này rất lớn.
Làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ rằng việc phát triển các CCN thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, kể cả việc chọn chủ đầu tư, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư cho đến vấn đề xử lý nước thải. Trước đây, các CCN, khu công nghiệp, khu kinh tế quy hoạch xong cứ để đấy; có CCN chưa chuyển đổi đất rừng, không đầu tư hạ tầng… nhất là các CCN giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư. Vấn đề đặt ra là phải có giải pháp căn cơ để giải bài toán này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, vừa qua UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề để chấn chỉnh công tác quản lý cũng như tổ chức hoạt động của các CCN. Trong đó, quan điểm của tỉnh là tăng cường xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý, kinh doanh, hoạt động tại các khu, CCN. Tập trung mời gọi các DN có năng lực, tiềm lực tài chính, đầu tư bài bản làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm: Thời gian tới sẽ thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư các CCN. DN vào sẽ bỏ kinh phí đầu tư tiếp phần còn lại để thu hút đầu tư và khai thác; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách. Khi đó, vấn đề xử lý nước thải, quản lý về giá thuê mặt bằng sẽ được thực hiện tốt hơn. Riêng vấn đề thu hút đầu tư, tỉnh sẽ giao chỉ tiêu cho từng chủ đầu tư hạ tầng, Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở KH&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Cần phương tiện để đối phó với tội phạm công nghệ cao
Nhiều ĐB quan tâm đến báo cáo của CA tỉnh về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, nhiệm vụ năm 2024. Theo ĐB Võ Thị Thu Hòa (đơn vị Quy Nhơn), đáng lo là nhiều loại tội phạm có xu hướng gia tăng, như đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, mua bán chất gây nghiện...
“CA tỉnh cần có giải pháp quyết liệt hơn để đảm bảo ANTT tốt hơn trên địa bàn tỉnh; nhất là giảm bớt số lượng người nghiện ma túy, số đối tượng mua bán chất gây nghiện trên địa bàn TP Quy Nhơn”, ĐB Hòa đề nghị.
ĐB Phạm Hồng Sơn (đơn vị Quy Nhơn) cũng lo ngại về tình hình tội phạm trong năm 2023 tăng so với cùng kỳ, đặc biệt có một số loại tội phạm tăng rất cao.
Đối với tội phạm công nghệ cao ngày càng nhiều, ĐB Sơn cho rằng cần có phương tiện, máy móc đặc biệt mới xử lý được. Tuy nhiên, CA tỉnh cho biết các loại phương tiện, máy móc cần thiết có giá trị cao nên không trang bị được.
“Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao mà không có phương tiện, máy móc thì quả rất là khó. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư các phương tiện, máy móc, trang thiết bị cho lực lượng CA để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao”, ĐB Sơn ý kiến.
Bên cạnh đó, các ĐB phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường (như tiếng ồn do sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke; nuôi chó, mèo thả rông phóng uế bừa bãi...) ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, gây mất ANTT, gây nguy hiểm cho người dân.
Trong khi đó, qua báo cáo công tác của TAND tỉnh năm 2023, bên cạnh kết quả đạt được, số bản án bị hủy còn cao, nhất là án bị hủy do lỗi chủ quan chiếm tỷ lệ cao 39/54 vụ, án trễ hạn bị hủy 4/54 vụ. Các ĐB đề nghị TAND tỉnh phân tích rõ nguyên nhân số lượng án bị hủy do lỗi chủ quan, do trễ hạn còn cao; phân loại rõ từng loại án bị hủy. Đồng thời, đề ra giải pháp khắc phục tình trạng án bị hủy.
Để giảm nỗi lo từ người tâm thần
ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ (đơn vị Vĩnh Thạnh) quan tâm các vấn đề liên quan đến tình trạng người bị bệnh tâm thần mất kiểm soát, gây án trong cộng đồng.
Theo ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ, các ngành, các cấp có giải pháp hỗ trợ đối tượng tâm thần đang cư trú trên địa bàn tỉnh được điều trị đúng quy trình, liều lượng.
Toàn tỉnh có 5.832 người mắc bệnh tâm thần, trong đó có 3.402 người bị tâm thần phân liệt, 2.392 người bị động kinh… Tuy nhiên, chỉ có 530 người được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, trong đó số đối tượng được Nhà nước hỗ trợ (các trường hợp thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo) rất ít. Số còn lại do gia đình đưa vào, phải đóng khoảng 2,7 triệu/người/tháng.
Theo ĐB Phong Vũ, các ngành, các cấp cần đồng thuận, tìm cách tháo gỡ khó khăn và có giải pháp trong việc hỗ trợ đối tượng tâm thần đang cư trú trên địa bàn tỉnh được điều trị đúng quy trình, liều lượng; góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Vũ (huyện Tây Sơn) cho rằng, cần có chính sách bảo trợ đối với đối tượng mắc bệnh tâm thần. “Thực tế, chúng ta sẽ không biết khi nào người mắc bệnh tâm thần lên cơn, không thể kiểm soát hành vi. Nếu họ được quản lý và chăm sóc đúng quy trình sẽ an toàn hơn”, ĐB Vũ nhấn mạnh.
NHÓM PHÓNG VIÊN XÂY DỰNG ĐẢNG