Thủ tướng: Quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để đạt được mục tiêu năm 2023
Thủ tướng yêu cầu phân tích hiệu quả của công tác điều hành, phản ứng chính sách, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của dân, doanh nghiệp lên trên hết.
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 6.12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11.2023 để đánh giá tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Cùng với đó, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và một số vấn đề quan trọng khác.
Dự Phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các Ban của Đảng, Ủy ban, cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhìn lại tháng 11 và 11 tháng năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình KT-XH cả nước tiếp tục đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong số đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân được nâng lên; chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đặc biệt công tác đối ngoại là điểm sáng của năm 2023; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ được củng cố...
Cho rằng thời gian của năm 2023 còn rất ít, nhiệm vụ của năm 2023 còn nhiều, trong khi tình hình thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích tình hình, đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đặc biệt là các giải pháp cần triển khai để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, cần phân tích hiệu quả của công tác điều hành, phản ứng chính sách, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên trên hết, trước hết để chính sách thực sự đi vào cuộc sống; xử lý mọi vấn đề thực sự thanh thoát, xóa bỏ mọi rào cản, khơi thông cho sự phát triển.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; phấn đấu, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để đạt được mục tiêu năm 2023.
Các thành viên Chính phủ tập trung cao độ chỉ đạo, điều hành công việc; lưu ý bám sát thực tiễn, ứng phó kịp thời, hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; đồng thời, tận dụng, khai thác tốt nhất cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng năm 2023 tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% so với cùng kỳ, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, tính chung 11 tháng ước xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ là 10,3 tỷ USD). Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khách du lịch đến Việt Nam 11 tháng đạt 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau tốt hơn tháng trước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực. Trong 11 tháng có trên 201,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường...
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% cùng kỳ, số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng. Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tiếp tục được triển khai quyết liệt; tính đến hết tháng 11, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 thuộc Chương trình đạt khoảng 62.920 tỷ đồng.
Các vướng mắc về quy định liên quan đến triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang được tháo gỡ. Đến hết tháng 11 đã phân bổ đạt hơn 95% kế hoạch; giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2023 đạt 15,732 ngàn tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch.
Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới gây tác động không nhỏ, khiến tình hình kinh tế nước ta bị ảnh hưởng, tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức. Trong đó, mặc dù sản xuất kinh doanh có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính; gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô; đời sống một bộ phận người dân vẫn khó khăn...
Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ, sát với thực tế các chính sách, giải pháp cả ngắn hạn, dài hạn; tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trên cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; thúc đẩy các động lực mới về Kinh tế Xanh, Tăng trưởng Xanh, Kinh tế Số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.
(Theo TTXVN/Vietnam+)