Bolero trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại
Đại sứ Cuba tại UNESCO khẳng định Bolero không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là sự pha trộn giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ, giữa văn hóa châu Âu, nhịp điệu châu Phi và bản sắc Mỹ Latinh.
Nguồn: BNN
Ngày 5.12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức tôn vinh nghệ thuật Bolero là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, theo đề nghị của Cuba và Mexico.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, quyết định này được UNESCO đưa ra tại phiên họp lần thứ 18 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể, được tổ chức tại thành phố Kasane, phía Bắc Botswana.
Đại sứ Cuba tại UNESCO Yahima Esquivel khẳng định Bolero không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là sự pha trộn giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ, giữa văn hóa châu Âu, nhịp điệu châu Phi và bản sắc Mỹ Latinh. Bolero là đại diện cho những khúc nhạc tình Mỹ Latinh có tầm ảnh hưởng vượt biên giới khu vực.
Bolero là một loại hình thanh nhạc, nhạc cụ và khiêu vũ bắt nguồn từ thành phố Santiago de Cuba từ cuối thế kỷ XIX và lan rộng khắp Cuba qua các nhóm nghệ sỹ du ca.
Một trong những người chủ xướng, định hình phong cách đặc trưng cho Bolero là nghệ sỹ Pepe Sánchez (1856-1918), người đã sáng tác bản Bolero đầu tiên "Tristezas" (tạm dịch Những niềm đau) vào khoảng năm 1883.
Với đặc trưng giai điệu sang trọng, nên thơ, những bài Bolero khởi sinh từ Cuba nhanh chóng vượt biển tới Mexico. Sức hấp dẫn của dòng nhạc nhảy chậm buồn và lãng mạn giúp Bolero nhanh chóng lan tỏa và bén rễ sang các đảo quốc ở vùng Caribe, xuống đến các nước Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Colombia, Chile, Venezuela, Ecuador, Bolivia... và cả Tây Ban Nha.
Thời hoàng kim của Bolero ở các nước Mỹ La Tinh bắt đầu từ những năm 1930, kéo dài liên tục trong suốt ba thập niên, với những nghệ sĩ nổi tiếng như Antonio Machin, cặp song ca Los Compadres (Cuba), nhóm nhạc Los Panchos, Los Hermanos Martínez Gil và Trío Tarácuri, Agustín Lara (Mexico), Lucho Gatica (Chile)...
Thời kỳ này, Bolero còn ảnh hưởng sang thế giới nói tiếng Anh, được trình diễn bởi nhiều nghệ sỹ Mỹ như Bing Crosby, Nat King Cole hay Frank Sinatra.
Có lẽ bản Bolero nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là "Bésame mucho" (Hãy hôn em thật nhiều, 1941), được nữ nghệ sỹ người Mexico Consuelo Velásquez sáng tác vào năm cô chỉ mới 15 tuổi.
Bài hát tình tứ mà tình nhân dành cho nhau hóa ra lại là tâm sự của một cô bé chưa một lần được hôn, đang mơ mộng một cuộc tình lãng mạn.
Không chỉ phổ biến trong khu vực Mỹ Latinh, bài hát đến nay vẫn được rất nhiều ca sỹ tên tuổi trình diễn như Tona la Negra, Ruth Fermández, Luis Miguel. Thậm chí, "Bésame Mucho" từng xuất hiện trong album ghi âm năm 1962 "The Beatles Live at Star Club in Hamburg" của The Beatles.
Một đặc điểm của Bolero là âm nhạc luôn đi kèm lời ca tình tứ, mượt mà, thể hiện tình cảm, quan niệm và tiêu chuẩn về cuộc sống nói chung và tình yêu nói riêng. Không thể nói đến Bolero mà không đề cập đến nội dung ca từ, với những cung bậc tình cảm được thể hiện qua ngôn ngữ mộc mạc, chân thành kết hợp cùng âm nhạc chậm buồn và lãng mạn.
Những câu chuyện tâm tình thường bắt đầu bằng một hồi ức, kỷ niệm riêng tư nhưng lại điển hình, chạm tới hoàn cảnh phổ biến của số đông người nghe. Ngoài câu chuyện tự sự về cuộc đời dâu bể, lẽ hợp tan, nhân tình thế thái, phần lớn các bản Bolero là nhạc tình, trong đó lời ca và tiếng nhạc chậm đều trở thành hai yếu tố cộng hưởng, dìu bước chân của đôi bạn nhảy trong khoảnh khắc riêng tư và không ngừng nghỉ.
Năm 2018, Bolero trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Mexico, trong khi Cuba đưa nghệ thuật này vào danh sách quốc gia năm 2021. Nhạc Bolero ở Cuba thường mang nhịp 2/4, tốc độ khoảng 96-104 phách/phút (beats per minute).
Điệu rumba chính là Bolero-son (nhanh hơn Bolero gốc một chút, tốc độ khoảng 104-128). Ngoài ra, điệu cha cha cha chính là Bolero-cha và mambo là điệu Bolero-mambo.
Nhạc Bolero ở Việt Nam gần như khác hẳn, khi thường viết ở tông thứ, nhịp 4/4 và chơi ở tốc độ khoảng 60 bpm (chậm hơn Bolero Cuba). Đây cũng là tốc độ các bài ca cổ, cải lương của người dân miền Nam.
(Theo TTXVN/Vietnam+)