Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ: Chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư
Nhiều nhiệm vụ, đề tài khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu, thông qua. Thế nhưng, số lượng đề tài, nhiệm vụ được chuyển giao, ứng dụng vào cuộc sống, sản xuất và thành sản phẩm thương mại hóa còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư.
Chưa đáp ứng kỳ vọng
Theo Sở KH&CN, giai đoạn 2007 - 2017, có 163 đề tài/dự án được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện, 10 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi do ngân sách Trung ương cấp và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Trong đó, có 142 đề tài/dự án đã triển khai các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, 4 đề tài/dự án chưa thực hiện triển khai các kết quả nghiên cứu và 27 đề tài/dự án không thực hiện việc đánh giá vì bị dừng thực hiện và không xác định được đơn vị chủ trì/triển khai do các cơ quan này đã giải thể hoặc chia/tách/sáp nhập…
Giai đoạn 2018 - 2022, có 76 nhiệm vụ KH&CN được UBND tỉnh phê duyệt, với kinh phí thực hiện hơn 54 tỷ đồng; trong đó, có 2 nhiệm vụ được chuyển từ năm 2017 sang thực hiện năm 2018. Trong số này, có 71 nhiệm vụ được ký kết hợp đồng và thực hiện, 5 nhiệm vụ phải dừng thực hiện. Đến nay, có 59/71 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh giai đoạn 2018- 2022 được nghiệm thu. Riêng các nhiệm vụ phê duyệt vào năm 2023 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để triển khai.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận: Dù từng bước khẳng định vai trò trong phát triển KT-XH, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ DN tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo… tuy vậy, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các đề tài, nhiệm vụ KH&CN tại Bình Định chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Thị trường KH&CN của tỉnh còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao. Vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt - nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và chuyển giao công nghệ. Số DN được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới chiếm tỷ lệ thấp. Số lượng nhiệm vụ của các chương trình KH&CN có DN là đơn vị chủ trì còn khiêm tốn…
Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất cây bưởi da xanh và cây dừa xiêm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) ở huyện Hoài Ân là số ít dự án nghiên cứu KH&CN đem lại hiệu quả.
- Trong ảnh: Nông dân huyện Hoài Ân chăm sóc cây dừa xiêm. Ảnh: AN NHIÊN
Để khoa học, công nghệ là “bệ phóng”
Tại hội nghị về nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN được UBND tỉnh tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nghiêm khắc chỉ rõ một số hạn chế. Đó là, lâu nay ngành KH&CN, địa phương chỉ quan tâm đến vấn đề nghiên cứu, nghiệm thu kết quả xong là đóng gói, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Còn chuyện triển khai ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu thì chưa làm, hoặc có làm nhưng “không đến nơi đến chốn”. Nói cách khác, việc đặt hàng nhiệm vụ, đề tài KH&CN chưa gắn với công việc ứng dụng trong thực tiễn. Nghiên cứu xong là đưa vào tủ cất! Hội đồng KH&CN cũng chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Khi trách nhiệm, quyền lợi không tương xứng, thành viên dễ gật đầu cho qua, bỏ lọt các nhiệm vụ đã nghiên cứu rồi và cả nhiệm vụ không sát với thực tiễn. “Thời gian tới, tỉnh sẽ có cơ chế ràng buộc trách nhiệm gắn với quyền lợi đối với các hội đồng KH&CN”, ông Giang nhấn mạnh.
Về vấn đề thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu KH&CN, Phó Chủ tịch Lâm Hải Giang cho rằng, việc nghiên cứu các đề tài, nhiệm vụ KH&CN trước mắt phải đáp ứng, giải quyết được bài toán thực tiễn. Sở KH&CN phải xem lại chất lượng, kết quả các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu thị trường hay chưa. Nếu chưa đáp ứng được thì chuyện thương mại hóa còn xa vời. Một khi kết quả nghiên cứu chưa phù hợp với thực tiễn, hiệu quả triển khai sẽ rất hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các nhiệm vụ, đề tài KH&CN vào cuộc sống, sản xuất, ông Lâm Hải Giang yêu cầu các ngành, địa phương, DN… phải nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng của KH&CN để đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, đồng hành với các DN để kết nối cung cầu, kết nối hỗ trợ. Sở KH&CN cần nhanh chóng rà soát các cơ chế, chính sách, nhất là các nội dung mang tính địa phương còn chưa đồng bộ, còn thiếu, yếu thì bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong nền kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh của địa phương trong thu hút đầu tư cũng cần được quan tâm. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp kể cả các cơ chế, chính sách sửa đổi, bổ sung để làm sao phát triển KH&CN phục vụ sản xuất, đời sống đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
“Các sở, ngành, địa phương tiếp tục có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH&CN; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN. Đầu tư, phát triển một số trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học; hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển liên kết, nhất là liên kết các ngành, DN, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong tỉnh, đặc biệt là ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu.
AN NHIÊN