Bán sự chăm sóc, bù đắp tình thương
Tại các bệnh viện ở TP Quy Nhơn, không quá khó để tìm một “chị nuôi” phụ trách chăm sóc bệnh nhân. Công việc này nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng đằng sau đó là những câu chuyện đầy cảm động về tình người.
Gắn bó với nghề đã được 2 năm, chị Trần Thị Hiền (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) từng chăm sóc rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Trong một lần tình cờ chăm bệnh cho người nhà, chị nhận chăm sóc giúp một cụ bà bị tai biến; từ đó nghề này gắn bó với chị lâu dài.
Chị Hiền kể, thật ra đây là công việc bất đắc dĩ. Người bệnh cần nhất là sự chăm sóc của chính người thân, nhưng nhiều trường hợp bất khả kháng phải nhờ người ngoài vào chăm sóc. Có lần chị Hiền phải chăm sóc cùng lúc 3 bệnh nhân cùng phòng.
Bà Đặng Thị Bé chăm sóc cho một bệnh nhân lớn tuổi ở BVĐK tỉnh. Ảnh: X.Q
Bà Doãn Thị Mười (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) đã làm nghề chăm sóc bệnh nhân được 3 năm. Vì sợ người ngoài chăm sóc không chu đáo, gia đình gửi gắm bệnh nhân hầu như đều là người quen, họ hàng của bà Mười. Từ khi vào nghề, bà bỏ hẳn công việc bán tạp hóa để dành toàn bộ thời gian trong các bệnh viện.
Cũng là một nghề kiếm sống, nhưng những người chuyên “nuôi bệnh” đều trong tâm thế “người một nhà” với bệnh nhân. Chị Hiền chia sẻ, nghề này ẩn chứa nhiều khó khăn, nguy hiểm. Tiếp xúc gần với bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm sẽ ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe người nuôi. Chưa kể có những trường hợp người bệnh nằm một chỗ lâu ngày, việc vệ sinh, tắm rửa rất khó khăn. Đầu tháng 3.2023, chị Hiền chăm sóc cụ ông bị tai biến nằm một chỗ. Người nhà chỉ vào túc trực vào ban đêm, những công việc như bơm cháo, thay quần áo, tắm rửa, vệ sinh đều một tay chị Hiền đảm nhận.
“Nhiều chị em bỏ ngang vì không chịu nổi cảnh dọn vệ sinh. Riêng tôi đã quá quen với điều này, nhiều người nhìn vào còn nghĩ tôi là con cái trong gia đình đi chăm bệnh”, chị Hiền kể.
Bà Đặng Thị Bé (ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) từng nhận chăm sóc cho một trường hợp đặc biệt là mẹ đơn thân sinh con một mình. Không chỉ là người chăm sóc, bà còn xem bệnh nhân như con gái mình. Bà rất thương cô gái mới 20 tuổi, chưa có kinh nghiệm sinh con lại phải “vượt cạn” một mình. “Ai hỏi tôi đều nhận mình là mẹ bệnh nhân. Tôi xem cháu như con ruột, thường hay tâm sự, chia sẻ cách nuôi con để cháu nắm rõ”, bà Bé kể.
XUÂN QUỲNH