Thu gom rác thải sinh hoạt: Nhiều chuyển biến tích cực
Năm 2023, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt có nhiều chuyển biến. Số hộ gia đình tham gia dịch vụ thu gom rác thải gần 75%, tăng hơn 20% so với năm 2022; góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực đô thị và nông thôn.
Theo thông lệ, tầm 15 giờ chiều các ngày thứ Hai, Tư, Sáu và Chủ nhật hằng tuần, người dân ở các tuyến đường trung tâm tại các phường Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hưng… (TX An Nhơn) lại mang rác thải sinh hoạt (RTSH) đặt trước nhà để nhân viên Ban Quản lý các dịch vụ đô thị (Ban QLCDVĐT) An Nhơn tới thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý. Bà Nguyễn Thị Mai (ở đường Trần Phú, phường Bình Định) chia sẻ: “Chúng tôi nắm rõ lịch trình thu gom nên đưa rác thải ra đúng ngày, giờ quy định để xe rác tới chở đi. Nhờ vậy không xảy ra tình trạng rác thải để trước mặt nhà quá lâu gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng môi trường”.
Đối với các gia đình ở những tuyến đường, hẻm nhỏ hẹp, xe ép rác chuyên dụng không thể vào tận nơi, Ban QLCDVĐT An Nhơn tổ chức thu gom RTSH bằng cộ kéo hoặc xe đẩy tay; sau đó đưa tới điểm tập kết cố định để xe ép rác chuyên dụng tới chở đi xử lý.
Ông Hồ Văn Quang, Phó trưởng Ban QLCDVĐT An Nhơn, cho biết: Đến cuối tháng 11.2023, đơn vị thực hiện thu gom RTSH tại 15/15 xã, phường thuộc địa bàn TX An Nhơn. Tần suất thu gom tại khu vực nông thôn là 3 lần/tuần, khu vực đô thị 4 lần/tuần; khối lượng RTSH thu gom trung bình 105 tấn/ngày.
Thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Ảnh: C.L
“Từ tháng 7.2023, đơn vị phối hợp với các xã, phường sử dụng cộ kéo hoặc xe đẩy tay thu gom RTSH tại các tuyến đường nhỏ hẹp và các con hẻm. Nhờ đó, mở rộng địa bàn thu gom, giải quyết tình trạng tồn đọng rác thải trong khu dân cư; tăng tỷ lệ hộ dân tham gia dịch vụ thu gom rác thải lên hơn 11% so với năm 2022”, ông Quang cho biết thêm.
Tại huyện Phù Mỹ, năm 2023, tỷ lệ hộ dân tham gia dịch vụ thu gom RTSH tăng mạnh so với năm 2022. Ông Phan Thanh Hùng, Hạt trưởng Hạt Quản lý giao thông công chính (QLGTCC) huyện Phù Mỹ, cho biết: Từ đầu năm, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương kiểm tra, khảo sát thực tế các tuyến đường, khu vực để xây dựng kế hoạch thu gom cụ thể. Tham mưu UBND huyện Phù Mỹ đặt hàng thu gom toàn bộ khối lượng rác vô chủ trên địa bàn 19 xã, thị trấn.
Được biết, Hạt QLGTCC huyện Phù Mỹ thu gom RTSH tại 16/19 xã, thị trấn; riêng 3 xã Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ An do HTX và tư nhân thu gom theo hình thức xã hội hóa. Đến cuối tháng 11.2023, Phù Mỹ có hơn 32.000 hộ dân tham gia dịch vụ thu gom RTSH, tăng hơn 118% so với năm 2022.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cuối tháng 11.2023, toàn tỉnh có hơn 281.550 hộ gia đình tham gia dịch vụ thu gom RTSH, đạt tỷ lệ gần 75%, tăng hơn 20% so với năm 2022. Tỷ lệ thu gom RTSH khu vực đô thị đạt 85,6%; khu vực nông thôn đạt trên 56,3%.
Tổng lượng RTSH được thu gom trong toàn tỉnh khoảng 761,23 tấn/ngày, chiếm hơn 72% tổng lượng rác phát sinh. Lượng RTSH được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định (chôn lấp hợp vệ sinh) khoảng 601,74 tấn/ngày, đạt hơn 57,2% (cao hơn 8% so với năm 2022).
Ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho hay: Năm 2023, không riêng Phù Mỹ, An Nhơn, các địa phương còn lại đều có tỷ lệ hộ dân tham gia dịch vụ thu gom RTSH tăng. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác quản lý RTSH tại nông thôn và việc tăng tần suất tại một số địa phương chưa đảm bảo theo Thông báo số 405/TB-UBND của UBND tỉnh.
Do đó, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng phương án thu gom RTSH phù hợp với điều kiện thực tế; trọng tâm là tăng tỷ lệ, tần suất và địa bàn thu gom. Ngoài ra, rà soát, cập nhật và xây dựng đề án, kế hoạch quản lý RTSH tại địa phương. Phấn đấu năm 2024, tỷ lệ thu gom RTSH tại khu vực đô thị đạt 88% và nông thôn đạt 70%.
CÔNG LUẬN