“Phục sinh” di sản văn hóa thành Hoàng Ðế
Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu nhằm làm rõ nguồn gốc, diện mạo và vị trí của thành Hoàng Ðế trong lịch sử dân tộc để bảo tồn và phát huy, vấn đề đặt ra song song là khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa này gắn với phát triển du lịch. Có như vậy mới làm “sống lại” di sản thành Hoàng Ðế.
Di tích mang tính kế thừa
Tại Hội thảo khoa học “Thành Hoàng Đế trong tiến trình lịch sử Việt Nam” do Sở KH&CN phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tổ chức ngày 5.12 vừa qua, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa đã thảo luận, phân tích thêm nhiều tư liệu, luận cứ khoa học làm rõ thêm vai trò, giá trị của thành Hoàng Đế (nay thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, TX An Nhơn) trong lịch sử dân tộc; đề xuất nhiều giải pháp để tỉnh Bình Định bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành Hoàng Đế gắn với phát triển du lịch.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, thành Hoàng Đế đã được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, góp phần làm sáng tỏ diện mạo. Tuy nhiên, việc nhận thức và quan điểm về thành Hoàng Đế vẫn còn nhiều vấn đề chưa đầy đủ, thống nhất. Do vậy, Hội thảo lần này nhằm làm rõ thêm nguồn gốc, diện mạo, vai trò, giá trị của thành Hoàng Đế trong phong trào Tây Sơn và lịch sử dân tộc.
Theo các chuyên gia đầu ngành, thành Hoàng Đế là di tích mang tính kế thừa đan xen nhiều lớp kiến trúc khác nhau, từ vương triều Champa thế kỷ XI – XV đến thời Tây Sơn trong những năm 1776 - 1802, rồi đến nhà Nguyễn từ năm 1802 trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Cung cấp thêm những luận cứ khoa học khẳng định vai trò thành Hoàng Đế là trung tâm chính trị, quân sự của vương triều Tây Sơn thời Thái Đức Nguyễn Nhạc (1778 - 1793), PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết: “Từ lúc Tây Sơn khởi nghĩa đến khi Nguyễn Nhạc qua đời năm 1793, trong vòng 22 năm, chính quyền tại thành Hoàng Đế của Thái Đức Nguyễn Nhạc là cỗ máy chiến tranh khổng lồ có vai trò to lớn trong việc đánh bại quân Xiêm, xóa bỏ cai trị của chúa Nguyễn, chúa Trịnh, làm sụp đổ chế độ cai trị Đàng Trong - Đàng Ngoài; kết nối, liên thông Gia Định, Quy Nhơn, Phú Xuân, Thăng Long trong buổi đầu tái lập nền thống nhất đất nước của nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, do thiếu chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh, cùng với chế độ phong kiến tản quyền gia đình trị, sự phân phong triệt để đã làm suy yếu vai trò lãnh đạo của chính quyền Tây Sơn”.
Nghiên cứu và khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa thành Hoàng Đế sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa thành Hoàng Đế
Tỉnh Bình Định đã tiến hành nhiều đợt khai quật khảo cổ thành Hoàng Đế nhằm nhận diện kinh đô vương triều Tây Sơn qua tư liệu khảo cổ học.
Theo TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Bình Định đã đi tiên phong tìm một hướng nghiên cứu khác, đó là sử dụng phương pháp liên ngành trong việc xúc tiến nghiên cứu sự nghiệp phong trào Tây Sơn trên mảnh đất nơi phát xuất phong trào. Với việc tìm lại dấu vết kiến trúc khu Tử Cấm Thành kinh đô vương triều Tây Sơn đã khẳng định sự bề thế của một kinh đô hình thành trong lịch sử, những phát hiện này là chứng cứ vật chất có cơ sở khoa học để phục dựng sự nghiệp của một vương triều đầy khí phách trong sử sách.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho rằng, khi nghiên cứu về thành Hoàng Đế không nên tách rời giai đoạn thời Tây Sơn với tiến trình lịch sử trước đó. Di tích thành Hoàng Đế có nhiều tầng văn hóa chồng xếp lên nhau, khi nghiên cứu phải bóc tách dần những tầng văn hóa này để đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện hơn để có kế hoạch tổng thể nghiên cứu theo hướng tiếp cận liên ngành, từ đó sẽ thấy được giá trị di sản văn hóa này.
“Muốn văn hóa trở thành tài nguyên phục vụ phát triển du lịch phải có sản phẩm văn hóa độc đáo. Tôi tin khi tỉnh Bình Định có kế hoạch nghiên cứu bài bản để khai thác tài nguyên văn hóa thành Hoàng Đế bằng việc phục dựng kinh đô Vijaya, thành Hoàng Đế bằng không gian 3D, tổ chức các chương trình sân khấu thực cảnh độc đáo, hấp dẫn du khách... sẽ làm “sống lại” di sản văn hóa thành Hoàng Đế”, GS.TSKH Vũ Minh Giang bày tỏ.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều tư liệu, luận cứ khoa học cùng nhiều ý kiến hữu ích với những vấn đề thú vị mà Hội thảo đặt ra. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tỉnh Bình Định đề xuất triển khai và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành Hoàng Đế trong phát triển KT-XH, đặc biệt là phục vụ du lịch và giáo dục cộng đồng.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Đây mới chỉ là bước đầu để xới lên vấn đề giúp chúng tôi củng cố thêm nội dung nhằm xây dựng đề cương trình Bộ KH&CN. Chúng tôi sẽ tổ chức những lần hội thảo tiếp theo với tầm quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia để tiến tới xây dựng “không gian ảo” của di sản văn hóa thành Hoàng Đế bằng công nghệ để phục vụ quảng bá, phát triển du lịch văn hóa của tỉnh”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN