Chủ động tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả thi hành án
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác thi hành án dân sự của tỉnh trong năm 2023 đã vượt chỉ tiêu cả về việc và tiền. Phóng viên Báo Bình Ðịnh phỏng vấn Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nguyễn Xuân Hồng xung quanh một số nét lớn trong hoạt động của ngành.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh NGUYỄN XUÂN HỒNG
*Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác thi hành án dân sự năm 2023?
- Năm 2023, toàn ngành thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã tập trung đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo việc tổ chức thi hành án (THA); kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn. Trong đó, rà soát, phân loại hồ sơ THA, tập trung vào các vụ việc có giá trị thi hành lớn, liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng, án trọng điểm, liên quan đến án tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước, các tài sản có thế chấp bảo đảm... Nhờ đó, công tác THADS trong tỉnh đã đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Tổng cục THADS giao.
Nổi bật trong năm 2023 là tất cả các cơ quan THADS trong tỉnh đều vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS giao. Cụ thể, đã tổ chức thi hành xong 8.083 việc, đạt tỷ lệ 86,15%, vượt chỉ tiêu 2,85%; thu được hơn 659 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 51,71%, vượt chỉ tiêu 5,91%. Số tiền thi hành xong đạt cao nhất từ trước đến nay.
Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. Cụ thể, đã thi hành xong 5 việc/8 việc có điều kiện giải quyết, thu hơn 1,3 tỷ đồng/7,6 tỷ đồng có điều kiện giải quyết, đạt 62,5% về việc và 18,24% về tiền. Đã giao tài sản cho người mua trúng đấu giá 40 việc, tương ứng hơn 67 tỷ đồng.
Công tác THA hành chính tiếp tục được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Trong năm qua, các cơ quan THADS thụ lý thi hành 15 bản án, quyết định; đã theo dõi thi hành xong 10 bản án, quyết định.
Ngoài ra, các chi cục cũng chú trọng công tác tiếp dân hằng ngày, định kỳ hằng tháng tại cơ quan và tại UBND cùng cấp. Từ đó, các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến công tác THADS được hướng dẫn, trả lời, giải quyết kịp thời.
* Công tác thi hành án dân sự liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đương sự. Quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn kéo dài...
- Đúng vậy. Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số vụ việc phức tạp, có nhiều vướng mắc kéo dài, chưa thể xử lý dứt điểm.
Như vụ ông Đ.L. (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) giao đất chưa xác định được mốc giới, phát sinh tài sản là nhà trên đất nhưng bản án lại không tuyên nên việc tổ chức THADS gặp rất nhiều khó khăn. Tương tự, trong vụ những người thừa kế của ông T.C. (ở xã Phước An, huyện Tuy Phước), có sự chồng lấn giữa các thửa đất, chưa có căn cứ để tháo dỡ tài sản, khiến sự vụ kéo dài, cần sự phối hợp giải quyết của nhiều cơ quan.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh chú trọng công tác tiếp dân để kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Ảnh: Cục THADS tỉnh
Chưa kể một số trường hợp tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất giữa thực tế và giấy tờ có sự khác nhau về hiện trạng, diện tích; tài sản thế chấp có sự chồng lấn rất khó xác định, có trường hợp một thửa đất có 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác nhau cùng tồn tại như vụ Công ty TNHH Đ.M.Đ. (TP Quy Nhơn). Có vụ việc tài sản bán đấu giá phải hạ giá nhiều lần nhưng không có người mua; giá trị tài sản sau khi bán rất thấp so với số tiền phải thi hành, điển hình là các vụ việc xử lý tài sản thế chấp là tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Để giải quyết, ngành THADS tỉnh đang tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tổ chức vận động, thuyết phục người phải THA tự nguyện thi hành.
* Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác THADS trong năm 2024, đâu là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, thưa ông?
- Toàn ngành THADS sẽ chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện THA, đặc biệt là các vụ việc có giá trị thi hành lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng; các vụ việc thụ lý đã quá 1 năm nhưng chưa thi hành xong. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh họp bàn phương án, giải quyết các vụ việc có khó khăn, vướng mắc; báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo THADS để chỉ đạo giải quyết.
Song song đó, xây dựng kế hoạch, tổ chức giao tài sản các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao tài sản cho người trúng đấu giá. Kịp thời thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người chậm THA hành chính, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của Tòa án. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan để tham mưu UBND, chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo thực hiện nghiêm các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Mặt khác, duy trì và phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ tỉnh đến cấp huyện; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, ban chỉ đạo THADS các cấp, sự phối hợp của các ngành CA, Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan liên quan khác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết THA.
* Xin cảm ơn ông!
KIỀU ANH (Thực hiện)