Hoạch định phát triển bền vững cho tương lai
Tại Kỳ họp lần thứ 14, HÐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng để hoạch định cho sự phát triển lâu dài về nhiều mặt. Báo Bình Ðịnh trân trọng giới thiệu 2 nghị quyết điển hình.
1. Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Nghị quyết xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển và xây dựng kịch bản tăng trưởng của tỉnh trong 10 năm và 30 năm đến. Đồng thời, xác định phương hướng phát triển và tổ chức không gian của các ngành, lĩnh vực KT-XH toàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về quan điểm phát triển và các đột phá phát triển, Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, các quy hoạch ngành và chiến lược phát triển KT-XH của cả nước. Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi không gian phát triển, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng; đầu tư có trọng điểm vào các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.
Quy hoạch đặt ra nhiệm vụ tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc.
- Trong ảnh: Trung tâm TP Quy Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Phát triển KT-XH tỉnh Bình Định trên cơ sở thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Bình Định làm trung tâm nhằm phát huy sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa. KH&CN và đổi mới sáng tạo là động lực, chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 đưa Bình Định trở thành một trong những điểm đến, nơi hội tụ của các nhà khoa học, trung tâm về KH&CN và đổi mới sáng tạo của Vùng. Phát triển KT-XH dựa trên 3 cực phát triển: Cực Đông Nam là Quy Nhơn và vùng phụ cận; cực phía Bắc là TX Hoài Nhơn, cực phía Tây là đô thị Tây Sơn.
Quy hoạch đặt ra nhiệm vụ tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc. - Trong ảnh: Trung tâm TP Quy Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: DŨNG NHÂN
Mục tiêu phát triển đến năm 2030: Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của Vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.
Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước. Có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của Vùng, cả nước và quốc tế.
Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, những nét đẹp văn hóa các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2050: Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: KH&CN; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không.
Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động KT-XH và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. DN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển KT-XH của tỉnh.
*Giám đốc Sở KH&ĐT LÊ HOÀNG NGHI: Hoạch định tầm nhìn dài hạn
Quy hoạch tỉnh Bình Định có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển tỉnh Bình Định. Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào tỉnh, kết hợp giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, định hướng phát triển của tỉnh, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đến Bình Định.
Sở KH&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch cấp tỉnh. Trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp trong quy hoạch tỉnh.
* Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định THÁI MINH CHÂU: Bám sát quy hoạch để phát triển hạ tầng lưới điện
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, mức tăng trưởng bình quân GRDP đạt trên 8,5%, trong đó công nghiệp tăng khoảng 13%. Theo quy hoạch điện giai đoạn này, tại Bình Định sẽ lắp đặt trạm 500 kV; hệ thống điện 220 kV, 110 kV tăng hơn gấp hai lần lưới điện hiện trạng cả về quy mô và sản lượng với kinh phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một thách thức đối với Điện lực Bình Định trong việc chuẩn bị nguồn lực, thu xếp vốn để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển lưới điện, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế như mục tiêu quy hoạch đã đặt ra.
Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện phát triển KT-XH, chúng tôi đã chủ động tham gia cùng các đơn vị chức năng ngay từ khi lập quy hoạch nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện và phát triển KT-XH, đặc biệt là quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Với mục tiêu đáp ứng đầy đủ yêu cầu năng lượng cho phát triển, ngành điện đã lên kế hoạch vốn cho cả giai đoạn 2021 - 2030 phân chia cụ thể cho từng năm, đảm bảo đúng tiến độ quy hoạch đề ra.
* Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thạnh NGUYỄN KẾ ĐẤU: Hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển
Việc HĐND tỉnh thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển KT-XH, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh; là cơ sở để các địa phương trong tỉnh, trong đó có huyện Vĩnh Thạnh tích hợp quy hoạch phát triển KT-XH vào quy hoạch chung của tỉnh. Từ đó, giúp địa phương định hướng, điều hành, quản lý, bố trí nguồn lực phù hợp mọi hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo tính đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Huyện Vĩnh Thạnh sẽ có hướng điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển theo hướng nhanh, bền vững.
2. Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng tỉnh Bình Định
Mục tiêu của Dự án đầu tư cơ sở vật chất cho Bảo tàng tỉnh để thực hiện nhiệm vụ thu thập, bảo quản và trưng bày các hiện vật có giá trị lịch sử của tỉnh một cách hiệu quả và khoa học, giúp người xem có cái nhìn toàn diện về lịch sử vùng đất Bình Định từ quá khứ đến hiện tại, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hòa chung vào dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy và gìn giữ những giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh sẽ trở thành công trình kiến trúc nổi bật của tỉnh Bình Định mang tính cộng đồng cao, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa - lịch sử của công chúng, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Phòng trưng bày điêu khắc mỹ thuật Champa tại Bảo tàng tỉnh (26 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn). Ảnh: H.T
Địa điểm thực hiện Dự án tại số 86 đường Lê Duẩn, TP Quy Nhơn. Công trình tòa nhà Bảo tàng tỉnh được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 1,3 ha, gồm 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 15.860 m2. Trong đó, gồm các phân khu chức năng như sau: Sảnh chính, khu trưng bày tạm thời, khu sảnh thang, khu sảnh vận chuyển lưu giữ hiện vật, khu vực trưng bày cố định, kho hiện vật, khu thư viện và tra cứu, sân ngắm cảnh, không gian phòng máy, văn phòng, khu dịch vụ phục vụ khách tham quan, các phòng chức năng phụ trợ và kỹ thuật khác…
Hạng mục hạ tầng ngoài nhà: Xây dựng sân, đường, bãi đỗ xe ngoài nhà; khu trưng bày ngoài trời; khu tổ chức sự kiện, trình diễn ngoài trời; khu sàn sử dụng để chuẩn bị trưng bày, cảnh quan cây xanh... Đầu tư xây dựng phần thiết bị, nội thất trưng bày bảo tàng và các hạng mục phụ trợ khác.
Tổng mức đầu tư dự án 700 tỷ đồng, từ vốn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý. Sở VH&TT làm chủ đầu tư hạng mục xây dựng phần nội thất trưng bày Bảo tàng tỉnh; Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư các hạng mục còn lại. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2024 - 2028.
*Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN NHẪN: Dự án hết sức có ý nghĩa, cần tạo được dấu ấn
Tôi rất ủng hộ việc đầu tư dự án xây dựng mới Bảo tàng tỉnh. Dự án thể hiện được sự quan tâm đầu tư cho văn hóa, cho tôn vinh lịch sử hào hùng của tỉnh.
Địa điểm mới của Bảo tàng tỉnh ở vào vị trí đắc địa, thuận tiện cho người dân, du khách đến tham quan, đồng thời tạo sự kết nối chung với các công trình rất ý nghĩa hiện có là Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành và sẽ xây dựng là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại TP Quy Nhơn.
Tôi được biết đã có phương án kiến trúc công trình Bảo tàng tỉnh được chọn qua thi tuyển quốc tế, mong rằng khi xây dựng hoàn thành sẽ tạo được dấu ấn, điểm nhấn cho không gian kiến trúc cảnh quan đô thị TP Quy Nhơn. Các khu vực trưng bày trong Bảo tàng tỉnh được thực hiện khoa học, hiện đại, làm nổi bật được các chủ đề trưng bày về truyền thống văn hóa - lịch sử tỉnh, nhất là các hiện vật đặc sắc, độc đáo nhất như hiện vật Champa Bình Định.
Qua đó, phát huy được hiệu quả sử dụng của một công trình quan trọng, có kinh phí đầu tư rất lớn không chỉ cho hôm nay mà còn mai sau.
* Giám đốc Bào tàng tỉnh BÙI TĨNH: Góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tàng
Bảo tàng tỉnh hiện nay có số lượng lớn hiện vật, tư liệu đa dạng, phong phú, có giá trị về văn hóa - lịch sử Bình Định, trong đó có nhiều hiện vật, bộ sưu tập quý, đặc biệt là các bảo vật quốc gia.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác sưu tầm, trưng bày, phục vụ khách tham quan, nhưng vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn về cơ sở vật chất, không gian trưng bày, hệ thống thiết bị.
Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng tỉnh được thông qua tạo sự phấn khởi, tiếp thêm động lực rất lớn cho chúng tôi. Thời gian tới, trên cơ sở các chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện theo chỉ đạo của Sở VH&TT, chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp đóng góp hiệu quả trong thực hiện xây dựng phần nội thất trưng bày một cách khoa học, hiện đại, phát huy hiệu quả cao hơn.
Chúng tôi mong Dự án sớm được triển khai để trong tương lai có Bảo tàng tỉnh mới thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giáo dục lịch sử, bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân tộc...
* Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh NGUYỄN PHẠM KIÊN TRUNG: Sẽ tạo điểm đến mới thu hút du khách
Dự án hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Quy Nhơn - Bình Định. Bảo tàng nếu phát huy tốt sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế thường muốn đến nơi có thể tìm hiểu được những nét đặc sắc, độc đáo của địa phương, quốc gia. Điều này đã được thể hiện qua thực tế ở nhiều bảo tàng quốc tế và trong nước.
Bình Định là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử, nhưng nơi lưu giữ hiện vật, giới thiệu, quảng bá là Bảo tàng tỉnh còn những hạn chế trong khai thác phục vụ du lịch.
Nếu Bảo tàng tỉnh được xây dựng mới đủ lớn và đủ tầm, thực hiện đúng mục tiêu đặt ra của công trình, tôi tin rằng sẽ trở thành một trong những điểm thu hút đông du khách. Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ phối hợp để hiện thực hóa hy vọng này, tích cực quảng bá và đưa khách đến tham quan.
NGUYỄN HÂN - HOÀI THU (Thực hiện)