Thân thương những gánh hàng rong
Những ngày cuối năm, ai cũng tất bật ngược xuôi. Sau khi công việc đồng áng tạm ngơi, các dì, các chị ở vùng thôn quê rủ nhau xuống phố bán hàng. Những gánh hàng rong trên phố vì thế cũng trở nên nhộn nhịp hơn.
Có kinh nghiệm bán hàng rong hơn 30 năm, bà Nguyễn Thị Bảy (ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) đã quen với những ngày nắng mưa rong ruổi khắp các con phố Quy Nhơn. Bà Bảy cho biết, từ nhỏ bà đã được mẹ chỉ dạy nấu đậu hũ. Ngày trước còn khỏe, bà có thể gánh dạo khắp các nẻo đường. Đến nay tuổi cao, đôi vai đã còng do quang gánh, các con bà hàn cho mẹ chiếc xe để đẩy vò đậu hũ đi bán, nhờ đó đỡ vất vả hơn.
Gánh hàng của bà Bảy có mặt khắp các con phố, trở thành món ăn vặt yêu thích của nhiều người. Ảnh: X.Q
“Càng về già tôi càng thấy yêu quý công việc này. Tuổi già chỉ mong kiếm được chút tiền, không phải phiền lụy con cháu. Thu nhập cũng không nhiều, nhưng khéo vun vén thì cũng đủ sống”, bà Bảy nói.
Những ngày Quy Nhơn trở lạnh, trời mưa, hàng đậu hũ của bà Bảy lại càng đắt khách. Nhờ đó, bà có chút “của để dành” cho cái Tết đang đến gần. Ngày nào hết hàng sớm, bà lại trở về nhà để lo các công việc vặt trong gia đình.
Cũng là người tần tảo với gánh hàng rong 20 năm qua, bà Đặng Thị Loan (ở phường Đập Đá, TX An Nhơn) cho biết chiếc xe “cút kít” chở đầy những mẹt bánh trái chính là “chiếc phao” của bà. Đều đặn mỗi năm, khi xong công việc đồng áng và vườn tược, bà đạp xe xuống Quy Nhơn để bán bánh khu vực gần bệnh viện, chợ Khu 6. Những ngày mùa đông, gánh hàng đắt khách hơn ngày thường. Có nhiều người lớn tuổi mua chỉ vì muốn tìm lại chút kỷ niệm tuổi thơ với các loại bánh quê. Có lần, khách du lịch nước ngoài cũng ghé mua, họ rất thích thú với từng loại bánh truyền thống của Bình Định.
Trong cơn mưa, bà Loan vẫn tươi tắn với những thức hàng quê giữa phố thị. Ảnh: X.Q
“Mỗi ngày tui đều đạp xe đi đi về về, lúc đầu tui bán tại chợ An Nhơn, nhưng sức mua thấp. Sau này được nhiều người bạn chỉ dẫn, tui “làm liều” xuống Quy Nhơn bán. Vậy mà cũng gắn bó được 20 năm rồi”, bà Loan nói.
Chị Nguyễn Thị Mùi (ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) được một người bà con ở Quy Nhơn rủ xuống đây buôn bán. Không biết bán gì, chị hái những loại rau mọc ở vườn nhà như bầu, bí, rau ngót, rau dền đem xuống các chợ. Những ngày không bán hết, chị mang tới từng nhà khách hàng quen để chào mời. Mùa đông, mưa lớn ròng rã, mặt hàng rau xanh đắt đỏ hơn. Của nhà trồng được, lại không sử dụng thuốc trừ sâu, gánh rau của chị chẳng mấy chốc mà bán hết.
Chị Mùi ruổi rong bán rau dạo ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn.
Chị Mùi kể, người thành phố thường thích những loại rau sạch, trồng ở quê. Sau khi xong công việc đồng áng, lại phải lo nhiều khoản cho những ngày Tết, chị chọn bán rau để không phải bỏ vốn nhiều. Có những ngày đắt hàng, chị đi những 2 chuyến xe để hái rau bán chợ sáng và chiều. Mảnh vườn nhà chị trước kia thì bỏ không, giờ phải trồng rau liên tục để có nguồn rau sạch bán cho khách.
XUÂN QUỲNH