Phát huy vai trò các cụm công nghiệp trong thu hút đầu tư
Khẳng định hoạt động của các cụm công nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp.
Cụm công nghiệp do doanh nghiệp quản lý đạt hiệu quả tốt hơn
Hiện nay, toàn tỉnh có 37/53 CCN do UBND cấp huyện/Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất cấp huyện làm chủ đầu tư với diện tích 990,2 ha; mức đầu tư 449,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,7% tổng số vốn dự kiến đầu tư 2.073 tỷ đồng.
Công ty TNHH Huy Hoàng Thiện cần mở rộng nhà máy gạch tuy nen Huy Hoàng tại CCN cầu 16, huyện Tây Sơn. Ảnh: HẢI YẾN
Mô hình đơn vị nhà nước làm chủ đầu tư có thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên, DN thứ cấp trả chi phí thấp do hạ tầng kỹ thuật CCN chưa được đầu tư xây dựng hoàn thiện, nhất là công trình bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Bộ Nội vụ chưa có hướng dẫn thực hiện cho mô hình tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tại đơn giá cho thuê đất tại CCN Gò Mít vốn đã ban hành trên 20 năm đến nay vẫn còn áp dụng nên ở mức thấp không tưởng … 1.700 đồng/m2/năm. Dù vậy, lại có 2 DN nợ tiền thuê đất hơn 500 triệu đồng, đến nay UBND huyện chưa đòi được dù đã mời làm việc nhiều lần.
Tại các CCN do đơn vị nhà nước làm chủ đầu tư còn vướng rất nhiều như: Thủ tục pháp lý không đồng bộ; nhiều CCN chưa có hồ sơ môi trường được phê duyệt; tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật chậm (do thiếu vốn, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách cấp huyện đầu tư và vốn ứng trước của DN thứ cấp), việc khắc phục các hư hỏng hạ tầng không kịp thời, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN thuê đất.
Đến nay, toàn tỉnh có 19 CCN do 15 DN làm chủ đầu tư để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN với diện tích 477,8 ha; đã đầu tư 1.185 tỷ đồng đạt tỷ lệ 34,8% tổng số vốn dự kiến (3.047 tỷ đồng); trong đó, vốn của các DN làm chủ đầu tư trên 1.171 tỷ đồng, vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư 14 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, đây là mô hình năng động, phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Qua đó, tiến độ xây dựng, chất lượng các hạng mục công trình được các DN quan tâm đầu tư khá tốt như: Bảo vệ, thu gom chất thải, xử lý nước thải... khá tốt. Các DN xử lý nhanh các hư hỏng (hệ thống điện, cấp thoát nước, đường giao thông...). Công tác mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thứ cấp hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN cũng đạt hiệu quả hơn.
Giao tiêu chí hằng năm cho từng cụm công nghiệp
Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 60 CCN với tổng diện tích 1.956,2 ha, bình quân 33 ha/CCN; trong đó, có 56 CCN đa ngành nghề và 4 CCN chuyên ngành.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Đến năm 2030, Tây Sơn phát triển 12 CCN với 774 ha. Chúng tôi sẽ tập trung phát triển các CCN theo liên kết vùng đảm bảo đồng bộ hệ thống xử lý nước thải; cải cách thủ tục hành chính thu hút DN lớn đầu tư kinh doanh hạ tầng. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh sẽ là cầu nối thu hút DN vào CCN và hướng dẫn UBND huyện thực hiện kêu gọi xúc tiến đầu tư một cách chuyên nghiệp, bài bản, đúng quy định, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu tổng rà soát các CCN trên địa bàn tỉnh. Đối với CCN do đơn vị của Nhà nước làm chủ đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đảm bảo tiến độ; xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong CCN; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện bàn giao việc đầu tư, quản lý, vận hành CCN cho DN trong trường hợp CCN nằm trong danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư. Đối với CCN do DN làm chủ đầu tư, khẩn trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; thông báo giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật tới Sở Tài chính, Sở Công Thương, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan để rà soát, kiểm tra yếu tố hình thành giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật. Các CCN kê khai giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo giá cho thuê ở mức hợp lý, tạo điều kiện thu hút DN đầu tư vào CCN; xây dựng nội quy, quy chế quản lý, hoạt động CCN; tổ chức cung cấp các dịch vụ, tiện ích trong CCN cho người lao động.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết sẽ xây dựng tiêu chí quản lý và giao tiêu chí hàng năm cho từng CCN và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp không hoàn thành các tiêu chí được giao. Chính quyền phải tạo điều kiện cho các chủ đầu tư CCN như: Xây dựng hạ tầng đến hàng rào của CCN; xem xét hỗ trợ cho các CCN mới bằng cách giao mặt bằng sạch, xa khu dân cư để đảm bảo giá bồi thường mặt bằng thấp nhất có thể; tập trung kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các CCN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục từ cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khi cấp phép xây dựng không quá 60 ngày; ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; đào tạo lao động có tay nghề, phù hợp với nhu cầu của các DN đầu tư vào CCN. Bên cạnh đó, chính quyền thanh tra, kiểm tra toàn bộ hoạt động của các khu, CCN, đánh giá xếp hạng các CCN hằng năm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai trong các tài liệu thu hút đầu tư của tỉnh.
HẢI YẾN