Hẻm nghèo
● Truyện ngắn của SƠN TRẦN
1. Người ta thường gọi nó là thằng “sửa xe”. Riết rồi người dân ở góc hẻm hàng bàng và cả nó nữa cũng không quan tâm đến tên thật của nó nữa thì phải. Cũng như đoạn hẻm này vậy, vốn không tên nhưng do ở đầu hẻm có nhiều cây bàng khép tán nối liền, mấy bác xe ôm, đạp xích lô định danh luôn cho dễ tìm, dễ hẹn nhau gầy độ với con cá khô, làm vài xị. Hẻm gần đầm lại gần luôn với biển nên gió cứ thông thống, gì chứ với dân cần lao lúc giải mỏi ai cũng tự khen thế đất quá đẹp.
Thằng sửa xe vừa xẹo vừa ngọng. Nhiều người nhìn nó chép miệng, thương hại. Ông trời không công bằng với nó chút nào. Còn nó thì vô tư, không xem điều ấy là thua thiệt. Nó hay cười, nụ cười đẹp và hiền ơi là hiền. Mắt nó cũng đẹp lắm, cứ đen láy, cặp lông mày thì rậm. Nó mà ngồi xuống, ngậm miệng lại thì khối cô chết với nó. Bữa nọ có cô gái dắt xe vào sửa, cứ lén nhìn nó mãi.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MINH TÂM
Tiệm sửa xe của nó nép dưới tàn bàng dày nhất. Dụng cụ, đồ nghề cũ kỹ, nghèo nàn. Gọi là tiệm là gọi cho vui chứ đúng hơn là cái lều, mà là cái lều tạm bợ, ba bên bốn phía dán bìa carton và bao xi măng cũ, rách tươm. Phía trước căng tấm bạt xanh chắn nắng cũng thủng lổ mỗ. Trưa nắng rọi từng chùm, nhảy nhót. Chiều mưa nước dột tong tong.
Tiệm sửa xe của nó rất “ăn nên làm ra”, hình như lúc nào cũng đông khách. Có kẻ độc mồm độc miệng cho rằng người ta thương cái chân què và cái miệng nói không tròn vành rõ chữ của nó mà đem xe tới sửa chứ nó mới ra nghề, còn non lắm. Nó nghe cả nhưng làm thinh. Vẫn vui vẻ lạc quan. Nhưng cánh xe ôm, xích lô thì rất tín nhiệm nó; mấy bà mấy chị bán chè bán xôi lại còn thương nó hơn. Với nó sau rốt, bắt rễ được với góc phố cảng với những bà con tốt như này là quá đẹp.
Nó thường vừa sửa xe vừa bắt chuyện với khách. Chuyện của nó thì vô thiên lủng. Cái miệng ngọng líu ngọng lo của nó khiến người ta đôi khi không nghe được gì, đành bật cười. Nó quệt mồ hôi ngang mặt rồi cũng cười hì hì. Đúng là “điếc hay ngóng, ngọng hay nói”.
2. Sát bên tiệm sửa xe của nó là xe hủ tiếu của cô Năm “buồn đời”. Gọi vậy vì nghe đâu cô Năm ở miền ngoài, khi mảnh vườn nằm trong khu dự án, mấy đứa con tranh giành, đập nhau chí tử, cô phân xử không được, tòa xử xong cô vô đây sống một mình. Cứ mỗi lần thấy cô Năm đỏ hoe cặp mắt là nó lại lò dò đứng bên cạnh an ủi. Vẫn còn nhớ đám cháu chứ, ai chả vậy, nó cũng thế thôi, máu mủ mà có dễ bỏ, dễ quên đâu.
Hủ tiếu cô Năm đã ngon lại còn rẻ. Mấy công nhân ở nhà máy đối diện thường ghé ăn. Cô Năm vui tính, lại hay pha trò nên quán luôn đầy ắp tiếng cười. Lúc vắng khách cô hay qua bên tiệm sửa xe ngồi chầu hẩu coi nó rành rẽ từng thao tác lắp ráp. Nhìn nó, cô thở dài thườn thượt:
- Giá như con cái cô biết thương yêu nhau thì cô không phải sống như thế này!
Nó ngẩng lên thấy ánh nhìn xa xót của cô Năm mà ngậm ngùi. Cô Năm phúc hậu và hiền lành. Gương mặt cô dù đã xuất hiện nhiều nếp nhăn nhưng vẫn toát lên sự dịu dàng của người phụ nữ chịu thương, chịu khó; ánh mắt, nụ cười của cô ấm áp. Nó muốn nói với cô Năm câu gì đó nhưng khách dẫn xe vào sửa nên thôi.
***
Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa suốt mấy ngày nay. Tiệm sửa xe trống hoác, gió tạt tứ bề, lạnh buốt. Nó ngồi co ro một góc, nhìn ra mặt đường loang loáng nước. Cô Năm hôm nay không ra bán. Tấm bạt căng ở cột điện cứ phần phật từng hồi. Bác Tân cựu chiến binh chữa khóa bên kia đường nói với qua:
- Mưa quá, không có khách đâu, về đi kẻo lạnh!
Nó “ạ” một tiếng rõ to qua làn mưa rồi lúi húi dọn dẹp. Đoạn ngó sang khuấy khuấy tay ra dấu có cần giúp gì không. Bác Tân xua tay ra hiệu cho nó về rồi đóng tủ hàng về nghỉ. Mưa càng lúc càng to. Mưa như thế này dãy trọ cuối hẻm chắc nước cũng lênh láng rồi. Nhìn dáng đi của nó tập tễnh, ông không khỏi ái ngại.
Thằng sửa xe không phải dân ở đây. Nó là dân miền trong, vào đời từ năm 14 tuổi, lăn lóc khắp nơi, mưu sinh khắp nhiều tỉnh ở miền Nam. Đời dạy nó nhiều điều và cũng làm nó nhiều phen trầy vi tróc vảy. Mới nghe, ai cũng nghĩ nó xạo. Nó cười khì khì như muốn nói tin hay không thì tùy. Nó bảo với cô Năm, bác Tân là nó trốn khỏi nhà cho ba má đỡ khổ. Nhà đông anh em, lại nghèo, ruộng đất ít, làm thuê làm mướn là chủ yếu nhưng chẳng đắp đổi qua ngày. Nó là con út, lại tật nguyền. Ba má dồn tình thương cho nó như một cách an ủi, bù đắp nhưng cái nghèo cái khổ bức bách khiến mấy anh chị rằn rực, ghét không ra ghét, bỏ không ra bỏ, mà thương cũng không ra thương; đại khái nếu không có nó thì họ sẽ thấy dễ chịu hơn. Nó nhạy cảm, muốn cân bằng tình cảm của ba má dành cho những đứa con. Nó đi học nghề khi chưa qua tuổi thành niên. Nhưng vẫn không yên. Chỉ mấy chỉ vàng cho nó học nghề và mua dụng cụ hành nghề mà anh em hục hặc, phân bì, xô xát. Nó ngậm ngùi, gạt nước mắt, lẳng lặng bỏ đi.
Nó kể lại và rấm rức khóc. Đó là lần duy nhất mấy cô chú ở góc hẻm và cả hàng bàng trụi lá thấy nó khóc. Họ thương nó. Có gì ngon cũng mang qua cho nó. Nó sống chừng mực, lễ phép với mọi người. Ai nhờ gì cũng làm và nó cũng hay tự nguyện xắn tay giúp người này người nọ. Còn hàng bàng kia, chẳng phải từ ngày nó che lều mở tiệm, cái cây chỗ của nó cắm dùi tự nhiên cao vống lên, cành nhánh xum xuê, tán lá ken dày. Thì đó cũng là thương đấy chứ.
Dãy trọ có mười phòng, chia thành hai lối, đối diện nhau. Trước phòng nó là phòng của ba cô gái làm công nhân may ở công ty may Nhà Bè gần đó. Họ sáng sớm đi chiều về, có khi tăng ca thì chín mười giờ đêm mới về. Ngày nghỉ, nó thường thấy họ ngồi trước cửa bấm điện thoại hay chuẩn bị bữa ăn. Nó đụng mặt họ chỉ gật đầu cười thay cho câu chào, họ đáp lại cũng bằng cái gật đầu và cái nhìn đầy chia sẻ. Một hôm, hết bột giặt, có cô tự nhiên qua phòng nó xin nữa. Thằng sửa xe nhiệt tình còn bảo:
- Ó ì ần ô ứ ói! (Có gì cần cô cứ nói!)
Cô gái quay lại, mỉm cười:
- Em cần anh thì sao?
Chỉ nghe thấy thế nó đã hốt hoảng, quên cả đóng cửa, lọt xọt tót luôn đến cuối phòng trọ, đứng ôm cọc mùng thở dốc, mặt nó đỏ rựng lên, bần thần. Ở bên ngoài cô gái mỉm mỉm cười, khép cửa lại dùm nó.
Cô Năm bị sốt, nhập viện. Nhìn khoảng trống mọi lần để xe hủ tiếu nó thấy bồn chồn, không yên. Cả buổi sáng nó như kẻ mất hồn, lơ đãng. Nó mong sao đừng có khách tới để nó chạy vô thăm cô Năm. Tối qua, cô Năm sốt cao, phải cấp cứu nhưng nó không hay biết. Nó xỉn quá. Cũng tại thằng bạn cũ quen từ thời lang bạt, cơ nhỡ bên Phú Yên ra thăm, mừng quá, rủ nhau làm vài xị. Mà nó thì không biết nhậu. Thiệt tình, giờ cô Năm đang nằm trong bệnh viện, không biết có ai chăm cô hay không?
Chiếc xe cuối cùng sửa xong là bác Tân cũng vừa chạy xe máy tới. Bác kêu có đi thăm cô Năm thì lẹ lên, bác chở đi. Nó gật, lấy nón bảo hiểm, ngồi lên xe ngay. Ban trưa, người xe tấp nập. Chiếc xe máy chở hai người len lỏi qua từng con phố. Nó ngồi sau xe cứ hỏi bác Tân tình hình sức khỏe của cô Năm mãi.
Phòng trọ của cặp vợ chồng cuối dãy trọ bị mất trộm. Lúc thằng sửa xe về đến hẻm đã có nhiều người tụm lại bàn tán. Công an cũng đã đến lấy lời khai, đang nhòm ngó, quan sát. Có người còn bảo công an có hỏi về chủ nhân của căn phòng trọ khóa ngoài. Nó vừa mở cửa là có hai anh công an đến hỏi rằng đêm hôm kia nó ở đâu, ngày qua sao không mở tiệm. Cặp vợ chồng mất trộm cũng nhìn nó khó hiểu, họ không tin nó lại xấu thế. Nó chột dạ, thì ra họ nghĩ nó là thủ phạm. Nhưng thiệt vàng sợ gì lửa. Nó trả lời rành rẽ những gì công an nghi vấn, rằng tối hôm đó nó ở bệnh viện chăm sóc cô Năm, cả ngày hôm qua nó không mở tiệm vì theo bác Tân đi phát quà từ thiện ở trại trẻ mồ côi và người khuyết tật.
Nó ngoại phạm, cô công nhân ở phòng đối diện, bác Tân hăng hái chứng minh thời điểm xảy ra mất trộm không có nó ở nhà. Anh công an bảo sẽ gọi nó lên khi cần. Nó “ạ” thật to rồi xoay sang phía cô công nhân “em cần anh” mỉm cười biết ơn. Cô xua xua tay lại, chỉ cười cười, bấy nhiêu mà nó thấy trời đất tinh khôi, rạng rỡ. Giờ mà biểu nó đi lên trời chắc nó đi cái rột.
3. Nó bảo sẽ rời Quy Nhơn về quê với ba má. Ba má nó cũng đã già rồi. Mấy anh chị cũng đã lập gia đình và đi làm ăn xa cả. Lớn tuổi giờ hiểu chuyện, lại muốn nó về chăm sóc gia đình, đã bắn tiếng như thế với nó. Nó sẽ dựng tiệm sửa xe trước nhà, cần cù chắc cũng có cái ăn. Với lại, lưu lạc chừng này quá đủ rồi. Ngọt bùi, đắng cay nếm cả. Sẽ xa hẻm hàng bàng, xa mọi người và sẽ nhớ lắm Quy Nhơn hiền lành, dễ sống. Nó bắt đầu gởi lời chào rồi. Cô Năm nhớ giữ gìn sức khỏe, bệnh huyết áp cao không chủ quan được đâu. Bác Tân cũng lo ăn uống, bồi bổ, trông dạo này bác có vẻ ốm. Nó bảo không thể đến thăm trại trẻ mồ côi hay dúi vào tay ông cụ ăn xin tá túc ở chợ vài chục hay cái bánh mì trước khi về quê nghĩ cũng buồn. Nhưng nó sẽ trở lại thăm mọi người và khi có dịp mọi người nhớ về quê thăm nó.
Cô Năm dứ dứ cái vá múc nước dùng trước mặt nó: - Sao trước bảo ở vậy nuôi tao mà giờ có đôi lại kéo nhau về quê là sao, hử?
Nó vừa dập miếng vá vào chiếc ruột xe vừa trả lời một cách bông lơn: - Ì ô ỏi ô ấy i! Ai ười uôi ô ới ổi, i! Ổ ừ ì con ở ại … (Thì cô hỏi cô ấy đi! Hai người nuôi cô mới nổi, hi! Cổ ừ thì con ở lại…)
Nói rồi, nó cười khì khì. Tiếng cười của nó khiến bác Tân đang chữa khóa cũng ngẩng lên nhìn, đầy trìu mến: - Về dắt ông bà già mày ra đây sống. Ngoài này hợp thung hợp thổ, dễ sống. Nói vậy chớ đau ốm bệnh tật cũng dễ chạy. Trỏng mênh mông sông rạch, nghe mày nói heo hút mà. Tiếc gì. Ở đâu sống được ở đó là quê kiểng…
Chiều đã nhạt. Từng đám lá bàng to bị gió hất tung, rồi đậu xuống đường, hẻm nghèo trông thật ấm áp, yên vui!