Xóm làng tôi như quyển sách...
Có lẽ chỉ Phạm Ánh mới ví von như thế, ví thế và anh thật thà chia sẻ “tôi mang theo để đọc lúc một mình”. Ngộ ngộ, hiền hiền, dễ mến và dễ hình dung. Và thật ra cả đời thơ của anh đến giờ vẫn chơn chất, đôn hậu như thế.
Phạm Ánh chưa bao giờ có ý tưởng cách tân hình thức, đi tìm những chân trời sáng tạo mới xa xôi nào đó. Anh thơ thẩn quanh quanh quê hương mình, núi sông làng mạc, lúa đồng, nhiều nữa là nơi mình từng đi học, sống ở đó mấy năm; rồi thì ông bà, mẹ cha, vợ con, xóm giềng bạn bè…, sau rốt mới có chút đỉnh cho chính mình. Anh quan sát và lảy ra đó những chi tiết hết sức thân thuộc, gieo vần cho nó và khơi niềm đồng cảm nơi người đọc.
Phạm Ánh hiền lành, giản dị; anh sống ra sao thì thơ của anh như thế. Và dễ chừng ba chục năm nay tính từ bài thơ đầu tiên đăng trên báo Bình Định, đến giờ giọng thơ của anh vẫn cứ bẽn lẽn, lành hiền như thế. Bởi thế có những câu thoạt đọc lên nghe cứ nôm na làm sao, nhưng cứ từ từ bạn ạ, rồi bạn sẽ dần dần nhận ra vị ngọt bùi của nó.
Đ.A
Về Phù Cát
Nắng vàng trải nhẹ bờ sông
Tôi về Phù Cát nghiêng lòng gió lay
Lối vườn bưởi đã trĩu cây
Hàng cau trước ngõ xanh ngày đơm hoa.
Thềm sân ríu rít đàn gà
Ngậm ngùi bóng mẹ lần qua bốn mùa
Ruộng vườn xanh tận ngày xưa
Mẹ già đã khuất như chưa… vẫn còn.
Hạt mưa thổn thức lối mòn
Từ sông ra biển từ nguồn ra sông
Ngàn xưa gạn đục khơi trong
Quê hương như chảy vào lòng ngàn sau!
Ngoại tôi
Kính dâng hương hồn ngoại
Ngoại tôi tóc bạc lưng còng
Hai sương một nắng giờ cong bóng chiều
Đồng khô ngọn cỏ cháy thiêu
Lụt tràn bờ bãi rong rêu nặng quằn
Võng trưa vắng gió chờ mong
Thương con nhớ cháu mỏi lòng ai hay
Miếng trầu thắm đượm thêm cay
Vừng trăng thao thức thêm gầy vừng trăng
Ngoại tôi về lại hư không
Một đời để nhớ lặng trong mấy đời
Như lời ru thuở nằm nôi
Tự ngàn xưa đến lòng tôi bây giờ
Mai sau ngoại hóa đời xưa
Biết ai còn nhớ hạt mưa về nguồn
Bóng tre
Về quê mình lại gặp mình
Hàng cau gốc mít nghĩa tình còn nguyên
Sớm chiều bùn đất lấm lem
Bữa no bữa đói thân quen bao đời
Rong rêu buồn tận mây trời
Lối xưa trơ trọi phận người hắt hiu
Bóng tre cõng nắng về chiều
Nỗi niềm xóm vắng cho nhiều lặng thinh
Độc thoại
Gởi nỗi buồn hạt sương
Gieo tiếng cười trong mắt
Thời gian qua còn mất
Giữ cho lòng yêu thương.
Dẫu có quen mưa nắng
Khó quen được nỗi buồn
Dẫu cho lòng bình lặng
Khó quen được cô đơn.
Ghi vào lòng công ơn
Sẽ có nhiều hoa trái
Ghi vào yêu thương
Để tình yêu sống mãi.
Viết dỗi hờn lên cát
Cho gió mưa xóa nhòa
Viết nghĩa nhân lên đá
Để nhớ hoài xưa xa.
Nhớ Đà lạt
Nhớ Đà lạt nhớ cái lạnh thương thương
củi ngo em chẻ nhỏ
khói sương ngập ngừng lối phố
tôi trầm tư ly cà phê!
Đồi Cù xanh ánh mắt quen
tôi thơ thẩn tìm gì ngọn cỏ
hồ Xuân Hương xùng xình bỡ ngỡ
tôi mơ màng nhớ thương ai!
Tóc em bay tha thướt áo dài
chiều vắng một mình ngược dốc
thác Pren
ai thả ven đồi chiếc áo bay!
Ngã năm Đại học mấy hàng cây
trái thông khô nghiêng chiều lãng đãng
chiều chạng vạng
lặng bên lòng nhớ mùa xưa!
Nhớ mẹ
Mấy năm rồi xa mẹ
Mẹ bây giờ ở đâu
Tử sinh không thể khác
Con lặng lẽ buồn đau.
Nhớ mẹ già heo hắt
Lạnh lẽo những chiều đông
Chiếc áo tơi gió quật
Mẹ cắt cấy trên đồng.
Nắng gió nhuộm mái đầu
Dáng cong chiều teo tóp
Không còn nhanh như trước
Mẹ thững thờ củi rau.
Bữa cơm chiều đôi lúc
Trăng đã vào mái hiên
Mẹ ngồi đợi con về
Việc đồng còn lở dở.
Mẹ cả đời cơ cực
Để ân tình cháu con
Mẹ đã về với đất
Nỗi xót đau mất còn.