Chuyển đổi số ở ngành thuế: Hỗ trợ người nộp thuế và quản lý, thu thuế hiệu quả
Với việc xây dựng và triển khai 22 ứng dụng chuyên ngành, Cục Thuế tỉnh đã hình thành hệ sinh thái ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người nộp thuế, quản lý, thu thuế, chống thất thu thuế hiệu quả. Ðáng chú ý, có 5 ứng dụng của Cục Thuế tỉnh đã được Tổng cục Thuế lựa chọn, giới thiệu đến toàn ngành thuế để cùng áp dụng.
Tăng tương tác trên môi trường điện tử
Những ngày đầu tháng 12.2023, thông qua cổng giao tiếp điện tử của ngành thuế, có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của DN trên địa bàn tỉnh đã được Cục Thuế tỉnh trả lời, tư vấn hướng dẫn cụ thể.
Sau khi được giải đáp về chính sách thuế thu nhập DN từ nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Phan Châu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Ly, chia sẻ: Có nhiều chính sách, văn bản mới liên quan đến lĩnh vực thuế mà không phải lúc nào DN cũng biết và hiểu rõ. Những lúc như thế, tôi thường vào cổng giao tiếp điện tử hoặc kết nối Zalo, Facebook của ngành Thuế tỉnh để tìm hiểu và nhờ tư vấn, hướng dẫn thêm. Việc tương tác với cơ quan thuế trên môi trường điện tử đã giúp chúng tôi không phải mất thời gian và chi phí đi lại, nhưng vẫn biết được quyền lợi cụ thể của DN mình, từ đó chủ động thực hiện kế hoạch đầu tư nuôi tôm.
Công chức Cục Thuế tỉnh hướng dẫn NNT ứng dụng thuế điện tử eTaxMobile trên điện thoại di động. Ảnh: TIẾN SỸ
Đưa vào sử dụng từ tháng 5.2022 đến nay, bình quân mỗi tháng có gần 69.000 lượt người truy cập và có đến 98,4% lượt đánh giá hài lòng và rất hài lòng về ứng dụng cổng giao tiếp điện tử của cơ quan Thuế tỉnh. “Toàn bộ việc tiếp nhận và giải đáp câu hỏi của người nộp thuế (NNT) cũng như việc tư vấn, hướng dẫn cho NNT về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Riêng tại cổng giao tiếp điện tử, bình quân mỗi tháng, chúng tôi tiếp nhận và trả lời hơn 120 câu hỏi của DN”, ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ NNT (Cục Thuế tỉnh) cho hay.
Cổng giao tiếp điện tử chỉ là 1 trong số 22 ứng dụng chuyên ngành mà ngành Thuế tỉnh đã xây dựng và triển khai nhằm phục vụ NNT, nâng cao năng lực quản lý, thu thuế, chống thất thu thuế trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, trong số 19 ứng dụng do Cục Thuế các tỉnh, thành trong nước tự xây dựng và triển khai vừa được Tổng cục Thuế chọn lọc giới thiệu đến toàn ngành, Cục Thuế Bình Định đóng góp 5 ứng dụng, gồm: Hỗ trợ quản lý hóa đơn, Tổng hợp giám sát kê khai thuế, Nhận diện rủi ro hồ sơ khai thuế, Ứng dụng công tác dự toán thu, Ứng dụng cổng giao tiếp điện tử với NNT.
Tiện ích, dễ sử dụng
Theo ông Trần Hữu Danh, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Cục Thuế tỉnh), các ứng dụng của ngành Thuế tỉnh có nhiều chức năng, dễ sử dụng và tương thích tốt trên cả 2 nền tảng phổ biến iOS và Android, chỉ cần có mạng internet, NNT đều có thể dễ dàng tương tác với cơ quan thuế bất cứ lúc nào, ở đâu. Từ sự tiện ích đó, hiện có gần 100% các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện khai, nộp thuế và hoàn thuế trên môi trường điện tử; 39.368 NNT là hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được cấp tài khoản giao dịch điện tử, trong đó có 10.596 NNT đã nộp thuế qua ứng dụng thuế điện tử eTaxMobile.
Nhờ thiết lập hệ sinh thái các ứng dụng chuyên ngành và phát huy các kênh giao tiếp qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…, cơ quan Thuế tỉnh thông tin và giải quyết nhanh, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng NNT và hạn chế những sai sót không đáng có của NNT; đồng thời, bao quát toàn bộ các khâu, từ giám sát hồ sơ kê khai thuế, hóa đơn, hoàn thuế đến thu thuế.
Đáng chú ý, thông qua các ứng dụng, 10 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã hỗ trợ, giúp cho DN tự rà soát, điều chỉnh 879 hồ sơ khai thuế, tăng số thuế phải nộp đúng quy định trên 36 tỷ đồng và giúp DN tránh thiệt hại do không bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,2 tỷ đồng.
Cơ quan Thuế tỉnh cũng đã phát hiện 25 DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp, qua đó tăng thu ngân sách 63,8 tỷ đồng và giảm khấu trừ 117,5 tỷ đồng tiền thuế. Ngoài ra, qua việc truy vết, cảnh báo của Cục Thuế tỉnh, có 497/768 DN trong tỉnh mua và sử dụng hóa đơn của các DN đã bỏ trốn đã tự sửa sai, điều chỉnh giảm giá trị ghi trên hóa đơn, tăng thu cho ngân sách gần 27 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung nhiều phân hệ của các ứng dụng đã triển khai, đồng thời xây dựng một số ứng dụng mới nhằm phát huy tối đa mô hình quản lý mở bằng công nghệ, trên nguyên tắc phục vụ, hỗ trợ, đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa cho NNT với 4 trụ cột chính: Hỗ trợ, cảnh báo, công khai, đối thoại để phục vụ NNT tốt hơn; đồng thời “bít” tối đa các lỗ hổng trong công tác quản lý thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
PHẠM TIẾN SỸ