Ngày 12.12 xuất hiện mưa sao băng chưa từng có
Các mảnh vụn từ sao chổi 46P/Wirtanen có thể xâm nhập bầu khí quyển Trái Đất và tạo ra trận mưa sao băng hoàn toàn mới được đặt tên là Lambda-Sculptorids.
Trái Đất thường trải qua nhiều trận mưa sao băng trong năm, với nguồn gốc là chiếc đuôi đá bụi của một số sao chổi và tiểu hành tinh. Tuy nhiên, 46P/Wirtanen chưa từng gây ra điều này.
Ngày 12.12, các mảnh vụn từ 46P/Wirtanen có thể xâm nhập bầu khí quyển Trái Đất và tạo ra trận mưa sao băng hoàn toàn mới, được đặt tên là Lambda-Sculptorids. Sự kiện được phát hiện tình cờ bởi nhóm khoa học gia - dẫn đầu là TS Jeremie Vaubaillon (Đài thiên văn Paris - Pháp).
"Quái vật xanh" 46P/Wirtanen rất to, rõ trên bầu trời Trái Đất trong một lần tiếp cận trước đó, có thể nhìn dễ dàng bằng mắt thường. Ảnh: ĐẠI HỌC ARIZONA.
Nhóm nghiên cứu đang quan sát 46P/Wirtanen để tìm hiểu vì sao sao chổi này chưa từng gây ra mưa sao băng, dẫu vẫn thường xuyên tiếp cận gần Trái Đất trong quỹ đạo 5,4 năm quanh Mặt Trời.
Họ bỗng nhận ra điều chưa từng có sắp xảy ra.
Thời điểm trận mưa sao băng Lambda-Sculptorids chưa từng có trong lịch sử xảy ra là lúc 8 giờ đến 12 giờ 30 phút ngày 12.12 theo giờ GMT, tức 15 giờ đến 19 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam.
Mức độ hoạt động của trận mưa sao băng này vẫn còn chưa chắc chắn do chưa từng có tiền lệ.
Khu vực quan sát thuận tiện nhất sẽ là châu Úc, đặc biệt là miền Đông nước Úc và New Zealand.
Theo Space.com, mưa sao băng vốn được tạo ra khi Trái Đất đi qua chiếc đuôi đá bụi mà sao chổi để lại, sau quá trình thăng hoa khi chúng tiếp cận gần với Mặt Trời.
Các thiên thạch thường lao vào bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ hơn 260.000 km/giờ, bốc cháy và tạo thành những ngôi sao băng tuyệt đẹp.
Sao chổi 46P/Wirtanen rộng khoảng 1 dặm là một phần của họ "sao chổi Sao mộc", với quỹ đạo bị kiểm soát bởi lực hấp dẫn của hành tinh khí này.
Lần cuối cùng 46P/Wirtanen đến gần Trái Đất là vào năm 2018. Đó cũng là khi nó được xác định là một sao chổi hiếu động, phun ra nhiều vật chất hơn các sao chổi cùng kích thước.
Dòng suối mảnh vụn của nó từng chạm trán với bầu khí quyền Trái Đất trong quá khứ, nhưng các mảnh vụn lại di chuyển với vận tốc thấp hơn bình thường vào bầu khí quyển Trái Đất. Điều đó đã ngăn cản mưa sao băng xuất hiện.
Tuy nhiên, từ năm nay, mọi thứ sẽ bắt đầu thay đổi bởi "quái vật xanh" 46P/Wirtanen ngày càng cho thấy những yếu tố bất thường khi thăng hoa.
Trận mưa sao băng mới mang tên Lambda-Sculptorids dự kiến sẽ còn lặp lại trong tương lai sau lần xuất hiện đầu tiên ngày 12.12.
Theo ANH THƯ (NLĐO)