Cùng con vào lớp 1
Khi con vào lớp 1, bên cạnh nỗi lo con mình có theo kịp bạn bè về học hành, nhiều bà mẹ cũng băn khoăn không biết con mình có thể hòa nhập được trong môi trường mới, bạn mới, cô giáo mới.
Áp lực
Trước khi con “tốt nghiệp” mầm non, cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Phạm Phương, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn chạy đôn chạy đáo tìm chỗ học cho con. Chị kể: “Tôi sợ khi con vào lớp 1 theo không kịp bạn bè nên ban ngày gởi ở nhà cô giáo dạy lớp 1 học đọc, viết. Tối về, ba hoặc mẹ lại thay nhau kèm cho con”. Cùng nỗi lo lắng như chị Phương, chị Đặng Mỹ Hà, đường Hà Huy Tập, TP Quy Nhơn bộc bạch: “Năm nay, tôi có con vào học lớp 1. Tôi đã cho con đi học thêm buổi tối từ năm còn ở… lớp lá. Biết là cho con học trước là hại cho con, là không tốt. Song, trẻ em thành phố đến tuổi đi học, gần như hết thảy đã biết đọc biết viết, biết cả làm toán. Nếu không cho con học trước, e là cháu không theo kịp bạn bè, đâm ra tự ti... và phát sinh nhiều vấn đề khác”.
Theo cô H.Vân, một giáo viên có thâm niên 20 năm dạy lớp 1 ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, qua thực tế giảng dạy nhiều năm nay, hầu hết các em học sinh lớp 1 nếu mới vào học mà đã biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ thường không hứng thú trong giờ học, không chú ý nghe lời cô giáo giảng. Đặc biệt, GV dạy lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn với những trường hợp đọc thông viết thạo này bởi trước đó rất nhiều em đã được hướng dẫn cách học sai phương pháp. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ người dạy lẫn phụ huynh chỉ quan tâm đến “kết quả” (đọc - viết- làm toán), không ai quan tâm đến cách cầm bút, đặt bút, tư thế ngồi đúng… cho các em. Theo cô H.Vân, phụ huynh đừng nhồi nhét con học chữ, làm toán, đọc vanh vách. Phụ huynh chỉ nên cho con học cách ghép âm với âm, thuộc 24 chữ cái. Khi vào lớp 1, tùy theo môi trường ở mỗi lớp, phụ huynh phối hợp với cô giáo dạy dỗ trẻ để không tạo chênh lệch và áp lực lớn trong môi trường sư phạm giữa học sinh biết và chưa biết”.
Giúp con tự tin
Ngày đi học đầu tiên, các em học sinh lớp 1 thường có một số biểu hiện bất thường về tâm sinh lý như: khóc nhè, nôn ọe, ôm chặt người lớn… làm cho các mẹ băn khoăn, lo lắng, không biết con mình bị làm sao?
Hầu hết các em học sinh lớp 1 nếu mới vào học mà đã biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ thường không hứng thú trong giờ học, không chú ý nghe lời cô giáo giảng
Theo chị Nguyễn Đặng Hải Chánh, giáo viên trường Cao đẳng Bình Định có con trai vừa vào lớp 1 chia sẻ: “3 tháng hè qua, chị cho con vui chơi, học vẽ để rèn luyện tính tập trung của con, tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học với lời khen, hay phần thưởng nào đó... Ngày đầu tiên nhập học, chị và chồng cùng đưa con đến trường, cùng con làm quen với lớp mới, cô giáo mới, được tập huấn cách giơ tay phát biểu, cách đi vệ sinh, rửa tay ở trường, sắp xếp chỗ ngồi… để con yên tâm với những thay đổi khác biệt hơn khi ở trường mầm non”.
Với chị Hồng Phúc, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn xua tan mọi nỗi lo việc con có hòa nhập với môi trường mới. Chị Phúc kể: “Gần 1 năm qua, tôi đã tập cho con các vệ sinh cá nhân, tự gấp quần áo của mình và thay quần áo khi đi học. Tôi và con cùng nhau mua đồ dùng học tập, hướng dẫn con bọc sách vở, cất sách vở ngăn nắp, cùng con lập thời khóa biểu với những hình vẽ của con. Con tỏ ra tự tin và háo hức được đi học”. Bên cạnh đó, chị Phúc cùng con tưởng tượng các tình huống khó khăn có thể xảy ra và giải quyết trong tưởng tượng giống như một trò chơi, như: “Khi cô đang giảng bài, con muốn đi vệ sinh thì làm sao? Con không nghe cô dặn dò làm bài tập về nhà thì làm gì? Con sẽ làm gì nếu bạn chọc phá không cho con học hoặc lấy đồ dùng của con”…
Theo các chuyên gia tâm lý thì việc chuẩn bị tâm lý để con vào lớp 1 không phải gia đình nào cũng làm được. Bởi mỗi em mỗi tính cách, sự chăm sóc, dạy dỗ khác nhau. Nhưng nếu ba mẹ cùng con xem việc chuẩn bị cho năm học lớp 1 một cách chu đáo, vui vẻ, con trẻ sẽ vô cùng thích thú và cảm thấy an tâm, tự tin hơn khi một mình đến trường.
CÔNG HIẾU