Chuẩn bị khai hội cồng chiêng
Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ II - 2023 sẽ diễn ra tối 16.12 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Ðến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Liên hoan được ngành văn hóa, các địa phương, đơn vị gấp rút triển khai, sẵn sàng khai hội.
Tham gia Liên hoan có hơn 200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 6 đội cồng chiêng, gồm: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân và Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định. Mỗi đoàn xây dựng một tiết mục trình diễn văn hóa cồng chiêng kết hợp múa xoang phụ họa mang bản sắc của dân tộc địa phương.
Đạo diễn chương trình, nhạc sĩ Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh (Sở VH&TT), cho biết: “Trung tâm đã đi thu âm cồng chiêng ở các địa phương, đơn vị để phục vụ cho đêm Liên hoan. Ngoài phần trình diễn cồng chiêng của các đội, Liên hoan với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng” còn có những tiết mục ca, múa khác do các ca sĩ biểu diễn để tăng thêm tính hấp dẫn”.
Đội cồng chiêng Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định tập luyện. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lần đầu tiên tham gia Liên hoan, Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định rộn ràng tập luyện chờ ngày khai hội. Bà Võ Thị Bích Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Nhà trường mời các nghệ nhân ở huyện Vĩnh Thạnh đến dàn dựng, hướng dẫn học sinh luyện tập. Mỗi buổi chiều sau giờ học, các em tự tập dưới sự theo dõi của giáo viên phụ trách văn thể mỹ, bí thư chi đoàn trường. Đây là dịp để học sinh của trường có cơ hội giao lưu, thêm niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nên các em rất hào hứng”.
Từ giữa tháng 11 đến nay, 30 nghệ nhân, diễn viên đội cồng chiêng huyện Hoài Ân đến từ xã Đak Mang cũng hào hứng luyện tập. Ông Võ Chí Hà, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân, cho biết: Tiết mục của đội cồng chiêng Hoài Ân dàn dựng mang đến Liên hoan với giai điệu của bài “Chiêng mừng - Âm vang Đak Mang” thể hiện niềm vui, sức sống mới trên những bản làng ở các xã vùng cao Hoài Ân. Sau đợt tổng duyệt đầu tháng 12.2023, đội vẫn tập thêm để chỉn chu tham gia Liên hoan”.
Không khí tập luyện tại huyện Vân Canh cũng rộn ràng. Cô Mai Thị Kim Oanh (23 tuổi, dân tộc Chăm H’roi ở xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh), thành viên đội cồng chiêng huyện Vân Canh, tâm tình: “Tôi biết múa xoang, hát dân ca Chăm H’roi nên thường tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Vừa rồi Sở VH&TT tổ chức tập huấn cồng chiêng, trình diễn trống kơ toang ở thị trấn Vân Canh, tôi và nhiều thành viên đội cồng chiêng của huyện đi tập huấn để nắm bắt thêm kỹ thuật trình diễn, luyện tập tiết mục dự Liên hoan”.
Đội cồng chiêng làng k8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) cũng hồ hởi luyện tập tiết mục “Vui cùng Ngày hội” biểu diễn tại Liên hoan. Nghệ nhân Đinh Y Oai, dàn dựng tiết mục cho Đội, tâm tình: “Dù còn gặp khó khăn trong việc chọn lực lượng học sinh ở làng tham gia Liên hoan, do các em đang ôn thi học kỳ, nhưng chúng tôi cũng tập hợp được 40 nghệ nhân, diễn viên của làng tham gia Liên hoan với tinh thần đầy phấn khởi; trong đó, có Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương dù lớn tuổi nhưng rất nhiệt tình tham gia, truyền dạy cồng chiêng cho các thành viên của đội”.
Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II - năm 2023 được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo không khí vui tươi, đoàn kết chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ IV năm 2024.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Huỳnh Văn Lợi cho biết: Công tác chuẩn bị cho Liên hoan đến nay đảm bảo theo kế hoạch, trong tuần này sẽ triển khai lắp đặt sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Sở VH&TT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát kỹ lưỡng lại mọi khâu tổ chức. Trong kế hoạch, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh phương án dự phòng nếu thời tiết không thuận lợi sẽ di chuyển vào Trung tâm Hội nghị tỉnh để tổ chức Liên hoan.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN