Quy định mới về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy
Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 137-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Quy định này thay thế Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25.7.2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy.
Theo Quy định số 137-QĐ/TW, về đầu mối bên trong (phòng và tương đương) của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, tối thiểu có 5 người mới thành lập một đầu mối. Trường hợp chưa bố trí đủ biên chế, ít nhất phải có 4 người mới được thành lập. Phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng; có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 3 phó trưởng phòng.
Tổng số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy không quá 18 người. Ban thường vụ tỉnh ủy căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để xem xét, quyết định số lượng cấp phó cụ thể đối với mỗi cơ quan bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc ở địa phương.
Biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc do ban thường vụ tỉnh ủy xem xét, quyết định trên cơ sở tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao; bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của mỗi cơ quan theo Quy định.
Ngoài quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Quy định số 137-QĐ/TW còn nêu rõ mối quan hệ công tác giữa các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương với tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương; với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; với thường trực HĐND và UBND tỉnh; cấp ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp dưới.
THIÊN TRÚC